(LĐ online) - Ngày 19/11, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 15 – NQ/TU ngày 13/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị" (gọi tắt là Nghị quyết 15) với cán bộ chủ chốt toàn tỉnh...
(LĐ online) - Ngày 19/11, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 15 – NQ/TU ngày 13/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị" (gọi tắt là Nghị quyết 15) với cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt chủ trì hội nghị.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong thời gian qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và xây dựng, phát triển đô thị có sự chuyển biến tích cực. Năng lực chuyên môn và trách nhiệm cán bộ được nâng lên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện theo hướng thông thoáng, tích cực; cơ chế đấu thầu theo quy luật cạnh tranh thị trường đã góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động quy hoạch xây dựng... Để triển khai Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện với 13 quyết định nhằm quản lý lĩnh vực quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; đồng thời phân công cụ thể từng ngành, địa phương. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai cụ thể các nội dung từ công tác tuyên truyền, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tổ chức lấy ý kiến và giám sát của người dân khi lập, thực hiện quy hoạch đến tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội và đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 đô thị, trong đó bao gồm: đô thị loại 1 thành phố Đà Lạt, đô thị loại 3 thành phố Bảo Lộc, đô thị loại 4 thị trấn Liên Nghĩa và 15 đô thị thuộc các xã, thi trấn đã và đang hoàn thiện để được công nhận đô thị loại 5. Mục tiêu trong 5 năm tới (giai đoạn 2015 – 2020) phấn đấu hoàn thành quy hoạch vùng của tỉnh, quy hoạch phân khu và đảm bảo 100% các đô thị được phủ kín quy hoạch theo địa giới hành chính. Xây dựng kế hoạch nâng cấp các đô thị trong tỉnh theo quy hoạch phát triển hệ thống đô thị quốc gia, đưa thành phố Bảo Lộc đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2, huyện Đức Trọng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3 và các đô thị khác đủ điều kiện đô thị loại 4. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35 – 40%, thiết kế đô thị đạt 40% - 50% đối với các đường phố chính. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đạt 95% - 100%; các đô thị loại 4 đạt khoảng 90% và đô thị loại 5 đạt khoảng 75% - 80%; tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 70% - 80%, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đạt 85% - 90%. Đặc biệt, diện tích bình quân nhà ở đô thị đạt 28,4 m
2 sàn/người, nhà ở nông thôn đạt 24 m
2 sàn/người.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, bám sát nghị quyết, các văn bản luật, công tác quy hoạch được chú trọng làm cơ sở xây dựng phát triển đô thị và nông thôn mới. Đồng thời chỉ ra những tồn tại yếu kém như: quy hoạch phân khu còn chậm, chất lượng quy hoạch hạn chế, quy hoạch chi tiết chưa được bao nhiêu, trong khi công bố quy hoạch chưa thực hiện theo các quy định. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng chưa cao, công tác kiểm tra giám sát từ cơ sở còn yếu, khi phát hiện xử lý không triệt để gây phá vỡ cảnh quan kiến trúc. Thậm chí không công khai trong quá trình cấp phép và có biểu hiện tiêu cực. Qua đó, Bí thư yêu cầu cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng thống nhất từ cơ sở đến tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch đã duyệt...Đặc biệt, Bí thư đề nghị các huyện, thành phố từ nay khi đưa ra dự án xây dựng hạ tầng đông thị phải tiến hành xây dựng một cách đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng phải có nề nếp ngay tại cơ sở, có như thế mới đảm bảo được trật tự chung trong phát triển đô thị. Rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
KHẢI NHIÊN