Cần hướng người dân tiệm cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

02:11, 05/11/2015

(LĐ online) - Đó là một trong những nội dung chính mà đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị với BTV Huyện ủy huyện Lạc Dương cần ưu tiên tập trung triển khai trong buổi làm việc sáng ngày 04/11.

(LĐ online) - Đó là một trong những nội dung chính mà đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị với BTV Huyện ủy huyện Lạc Dương cần ưu tiên tập trung triển khai trong buổi làm việc sáng ngày 04/11.
 
Báo cáo tại hội nghị của Huyện ủy Lạc Dương cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.185 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 53 tỷ đồng (tăng 103,8% so với dự toán); tỷ lệ hộ nghèo chung ước giảm 1,2%, hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,5% (kế hoạch là từ 1,5 -2%). Toàn huyện cũng tạo việc làm mới cho 850 lao động; 99,6% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 85%. Huyện cũng có 70 -75% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh (kế hoạch là 50%) và kết nạp được 70 đảng viên mới.
 
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được huyện đặc biệt quan tâm, phấn đấu đến cuối năm 2015 xã điểm Đạ Nhim đạt 17 tiêu chí, xã ưu tiên xã Lát đạt 12 tiêu chí, Đạ Sar 16 tiêu chí và hai xã Đạ Chais, Đưng K’nớ đạt 10 tiêu chí. Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã được ngân sách tỉnh phân bổ 4 tỷ đồng, huyện gần 600 triệu đồng giúp cho người dân sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo. Ngoài ra BTV Huyện ủy Lạc Dương cũng đã chỉ đạo lồng ghép để ưu tiên nhiều nguồn lực cho hộ nghèo và cận nghèo có cơ hội phát triển đời sống. Hiện nay số hộ nghèo trên toàn huyện là 287 hộ (chiếm 5,2%), hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 274 hộ (chiếm tỷ lệ 6,8%), (Toàn huyện Lạc Dương có gần 25.000 người, hộ đồng bào DTTS chiếm 73%). 
 
Bên cạnh những mặt đạt được, sự phát triển của huyện Lạc Dương trong thời gian vừa qua cũng gặp không ít khó khăn với nhiều hạn chế. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản không đạt kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do thiên tai và giá cà phê giảm; tiến độ triển khai một số chương trình kinh tế - xã hội và thực hiện các mô hình, xây dựng kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản còn chậm. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác khoáng sản vẫn diễn ra hết sức phức tạp nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, dẫn đến số vụ vi phạm Luật BV&PT rừng tăng so với cùng kỳ. Lực lượng quản lý bảo vệ của BQL rừng phòng hộ Tà Nung mỏng không đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tình trạng các hộ dân di cư đến phát rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy diễn ra trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn dứt điểm.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Yên – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Mặc dù là huyện có nhiều điều kiện để phát triển rau hoa thương phẩm và có diện tích lớn với 3.600 ha sản xuất rau; Tuy nhiên, diện tích nhiều, sản xuất nhiều nhưng tại sao dân vẫn nghèo? Huyện Lạc Dương cần phải tập trung thúc đẩy sự liên kết, qua đó tiêu thụ sản phẩm, gắn bó được mối quan hệ giữa người nông dân với các doanh nghiệp thì đời sống người dân mới được nâng cao. Không những thế, việc phát triển du lịch cũng phải cần hoạch định một hướng đi, đến thời điểm hiện tại của năm 2015 đã có 1,2 triệu lượt khách đến với Lạc Dương, nhưng con số ấy cũng cần phải đặt lên bàn cân, bởi phần lớn lượng khách ấy cũng thông qua “cửa chính” Đà Lạt. Phát triển dịch vụ lạ, độc đáo, gắn liền với văn hóa, cảnh quan chính là hướng đi tốt nhất cho du lịch của huyện.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trước hết, huyện Lạc Dương cần phải tăng cường công tác QLBV rừng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, giảm mật độ che phủ của rừng, không được để mất diện tích rừng thêm nữa. Các dự án đầu tư liên quan đến rừng, nếu để mất diện tích rừng, chậm triển khai cần phải có biện pháp xử lý triệt để và cương quyết thu hồi. Các diện tích bị lấn chiếm cần phải thu hồi và lập tức trồng lại rừng. Xây dựng nông thôn mới phải gắn bó với tập tục, đời sống văn hóa của người dân bản địa; tiêu chí nào cần thiết thì tập trung xây dựng trước, không dàn trải tránh thất thoát lãng phí. Cần chú trọng tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi huyện có tới 73% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số. Không những thế, huyện cần phải rà soát lại danh sách con em đồng bào DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng để báo cáo với Sở Nội vụ, qua đó nhanh chóng sắp xếp việc làm cho đội ngũ này.
 
Đặc biệt, theo đ/c Nguyễn Xuân Tiến, sự tác động của nông nghiệp công nghệ cao còn chưa tác động sâu rộng đến đời sống sản xuất của người dân, huyện cần nhanh chóng khắc phục điều này. Hướng người dân tiệm cận với việc sản xuất nông nghiệp chất lượng, cho bà con làm quen với các liên kết dịch vụ, sớm tổ chức các đội, hợp tác xã sản xuất, chỉ có như thế mới sớm thay đổi được đời sống nghèo khó cho người dân.  
 
Linh Đan