Huyện ủy Đam Rông tiếp tục xác định "Giảm nghèo nhanh, bền vững" là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ III, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Và để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần có nhiều biện pháp, giải pháp và các nhiệm vụ bổ trợ khác.
Nhờ đầu tư thâm canh chiều sâu, nên cà phê của các hộ đồng bào DTTS ở xã Liêng Srông, huyện Đam Rông cho năng suất cao trên 5 tấn/ha |
Ông Vũ Kim Sinh - TUV, Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định rằng: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đam Rông đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, nên đã giúp huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, đạt được kết quả “Giảm nghèo nhanh, bền vững” khả quan nhất. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương thì vẫn còn những “bất cập” nhất định. Vì vậy, sau Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ III, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy đã chọn và ưu tiên đầu tư thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “Giảm nghèo nhanh, bền vững”. Theo đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình, lợi thế về tài nguyên rừng, đất đai, huyện xác định phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “Giảm nghèo nhanh, bền vững”. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện tập trung đầu tư các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông - lâm - thủy tăng bình quân hàng năm 14-15%, tập trung cải tạo vườn điều, tái canh cà phê, từng bước tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Phát triển mô hình kinh tế trang trại, hỗ trợ kinh tế gia đình, nhằm phát huy vai trò tự chủ của kinh tế hộ, tăng cường hệ số quay vòng sử dụng đất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích. Tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao như: mô hình cà phê dưới tán điều, cà phê xen canh cây ăn quả, mô hình tái canh cà phê ghép... Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, THT, nhất là các HTX, THT hoạt động với mục đích tạo sự liên kết chặt chẽ trong tiêu thụ, chế biến nông sản. Phát triển các ngành nghề truyền thống, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, cải tạo đồng ruộng, phát triển thủy lợi phục vụ tốt công tác thâm canh chiều sâu. Phát triển các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, trong đó tập trung chuyển đổi những cây trồng già cỗi, giống cũ cho năng suất thấp và bố trí lại cơ cấu cây trồng để đưa diện tích đất sản xuất lên 19.000 - 20.000ha vào năm 2020. Tập trung cải tạo giống và ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất để nâng giá trị sản xuất bình quân lên 120 triệu đồng/ha vào năm 2020. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy mô trang trại, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 20-25% trong sản xuất nông nghiệp.