Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng chỉ rõ "Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn"(1). Công tác tổ chức, cán bộ thực sự đổi mới, đầu tư đúng mức không chỉ thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, ổn định tổ chức bộ máy mà còn là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, có khát vọng cống hiến để xây dựng đất nước.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn”
(1). Công tác tổ chức, cán bộ (CTTC, CB) thực sự đổi mới, đầu tư đúng mức không chỉ thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, ổn định tổ chức bộ máy mà còn là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, có khát vọng cống hiến để xây dựng đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay - đẩy mạnh CNH, HĐH, mở cửa hội nhập quốc tế, tập trung xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững càng đặt ra yêu cầu khách quan cho CTTC, CB, bởi tại Đại hội VI Đảng ta đã xác định công tác cán bộ là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.
|
Bầu BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X. Ảnh: V.B |
Kế thừa những quan điểm, định hướng, giải pháp về công tác cán bộ của những nhiệm kỳ trước, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã chỉ rõ những chuyển biến, kết quả đạt được của CTTC, CB “Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch”
(2). Sự chuyển biến, đổi mới của CTTC, CB cộng với trình độ, kiến thức của cấp ủy viên và những cán bộ làm công tác này nên đã tạo ra đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tiến bộ, trưởng thành trên nhiều mặt. Dự thảo nhận định khá xác đáng “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đánh giá cán bộ được coi là khâu mở đầu, tác động đến các khâu tiếp theo của công tác cán bộ. Nhiệm kỳ Đại hội X, XI đánh giá khâu đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất. Chúng tôi đồng tình với nhận định trong dự thảo “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”
(3). Đánh giá đúng, chính xác là cơ sở để đề ra các giải pháp đúng, khoa học, sát thực tiễn; nếu đánh giá không chính xác thì kết quả sẽ ngược lại.
Điều đáng quan tâm trong CTTC, CB là biên chế. Dự thảo đã nhìn nhận thẳng thắn “Số lượng cán bộ, công chức không những không giảm mà lại tăng, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Để nâng cao chất lượng CTTC, CB theo chúng tôi cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:
- Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức, người đứng đầu, cơ quan tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị về tầm quan trong của CTTC, CB. Công tác này thực sự là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Đầu tư cho công tác này là nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; đầu tư cho phát triển kinh tế bền vững ở cả khía cạnh kinh tế và đạo đức văn hóa. Bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
- Tiếp tục “Thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; giữa đức và tài…”
(4). Sự lượng hóa càng đồng bộ, chặt chẽ, sát thực tiễn là cơ sở để làm tốt CTTC, CB; càng có cơ sở để lựa chọn đúng cán bộ vừa hồng vừa chuyên, thực sự là “công bộc” tận tụy phục vụ nhân dân.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là khâu cơ bản để nâng cao phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ. Nên chăng trong dự thảo phần “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ” cần bổ sung thêm ý: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cả về nội dung và phương thức gắn với trang bị kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế.
- Phát huy vai trò người đứng đầu gắn với đổi mới cơ quan làm CTTC, CB. Trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, người đứng đầu giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Sự trong sạch vững mạnh, đồng thuận của cơ quan, đơn vị nó mang dấu ấn nhân cách của người đứng đầu. Người đứng đầu quan tâm chăm lo CTTC, CB, xây dựng đội ngũ cán bộ, sử dụng đúng đội ngũ cán bộ sẽ tạo ra những giá trị tích cực. CTTC, CB là một khoa học và nghệ thuật, do đó ngoài việc xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ quan tổ chức cán bộ phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, nắm vững nguyên tắc, quy trình, phương pháp, tác nghiệp CTTC, CB; có kiến thức về xây dựng đảng, tâm lý học, hiểu được tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức. Cần khắc phục trục lợi trong CTTC, CB. Đây là giải pháp khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” ở một số cán bộ. Chúng tôi đồng tình cao với giải pháp được xác định trong Dự thảo “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”
(5).
(1) Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, tr.239.
(2) Dự thảo báo cáo Chính trị, (đăng báo nhân dân), tr.7.
(3) Dự thảo Báo cáo chính trị, tr.7.
(4) Dự thảo Báo cáo chính trị, tr.8.
(5) Dự thảo báo cáo chính trị, tr.8.
Nguyễn Thế Tư (Học viện Chính trị khu vực III)