Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng

08:11, 10/11/2015

Nghị quyết của Đảng là quyết định chính trị thể hiện đường lối, chủ trương, mục tiêu, giải pháp để thực hiện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân,

Nghị quyết của Đảng là quyết định chính trị thể hiện đường lối, chủ trương, mục tiêu, giải pháp để thực hiện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội qua các thời kỳ cách mạng. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức thực hiện. Muốn vậy, phải thường xuyên đổi mới phương thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết.
 
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Ảnh: V.B
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Ảnh: V.B

Trong rất nhiều văn kiện, Đảng ta luôn luôn đề ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng: “Các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước phải thấu suốt đường lối của Đảng, kịp thời cụ thể hóa đường lối, các nghị quyết của Đại hội Đảng..., căn cứ vào đường lối và nghị quyết của Đảng mà vạch ra các kế hoạch, chính sách, biện pháp đúng đắn về xây dựng CNXH cũng như bảo vệ Tổ quốc...; tổ chức và động viên quần chúng tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi...” (Văn kiện Đại hội lần thứ V của Đảng).
 
Điều đó cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; và các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi trọng hơn nữa công tác này, đảm bảo cuộc sống được đưa vào nghị quyết và nghị quyết của Đảng sớm được đưa vào cuộc sống.
 
Quán triệt quan điểm của Đảng, thời gian qua, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã hết sức coi trọng và không ngừng cải tiến, đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Hầu hết các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng học tập, quán triệt nghị quyết tương đối nghiêm túc; số lượng đảng viên tham gia học nghị quyết đạt 80% trở lên; tinh thần, ý thức học tập cơ bản nghiêm túc; nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đã trực tiếp thông tin, quán triệt nghị quyết; đội ngũ báo cáo viên các cấp được lựa chọn chặt chẽ, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực truyền thụ, đáp ứng yêu cầu đề ra; việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết được coi trọng; cách thức tổ chức có nhiều đổi mới theo hướng thuận lợi, thiết thực như: hội nghị trực tuyến, tăng cường đối thoại, liên hệ thực tế, viết thu hoạch...
 
Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như: Cách thức tổ chức, phương pháp truyền đạt và nội dung học tập, quán triệt nghị quyết thiếu sự phân hóa theo đối tượng và địa bàn; cơ sở lý luận, tính đúng đắn, phù hợp, thiết thực của nghị quyết đối với thực tế đặt ra và sự tác động của nghị quyết đối với đời sống chưa được lý giải một cách thấu đáo; nội dung liên hệ thực tế gắn với từng cơ sở còn sơ sài, chưa thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, bức xúc nên sức thuyết phục chưa cao,... dẫn đến thái độ thờ ơ, coi nhẹ, thậm chí học tập, quán triệt nghị quyết một cách qua loa, hình thức; việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết nhiều nơi vẫn còn lúng túng, mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, chưa chọn trúng những vấn đề, những khâu chính yếu, thiết thực; công tác kiểm tra nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức... sau khi học nghị quyết ít được chú ý; việc tổ chức tuyên truyền nghị quyết của Đảng trong quần chúng chưa coi trọng đúng mức dẫn đến nghị quyết của Đảng không đến được nhân dân; đặc biệt công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết chưa tiến hành thường xuyên, chưa bám vào chương trình hành động, do đó, kết quả thực hiện chưa cao, nghị quyết chậm đi vào cuộc sống.
 
Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và ý thức, tinh thần trách nhiệm của bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tính gương mẫu.
 
Việc đổi mới học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng sao cho có hiệu quả được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng nhưng đến nay vẫn còn khó khăn, lúng túng, nhất là ở cơ sở. Để góp phần khắc phục thực trạng nêu trên, chúng tôi mạo muội đề xuất một số việc chủ yếu để tham khảo và vận dụng. 
 
Trước hết, cần đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng. Đối tượng khác nhau cần có hình thức, phương pháp khác nhau. Đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra; tiếp tục tổ chức hình thức hội nghị trực tuyến nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục được tình trạng ở trên làm kỹ - ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Còn các đối tượng khác, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng tham gia được nhiều nhất (có thể lồng ghép với các nội dung khác), thời gian ngắn gọn.
 
Thứ hai, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết cần thống nhất nguyên tắc thật sự phù hợp với đối tượng, có như thế mới hấp dẫn và thiết thực. Đối với cán bộ chủ chốt, tùy từng cấp nhưng quan điểm chung là đi sâu phân tích cơ sở lý luận - thực tiễn; những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, ngành, lĩnh vực..., nhất là các vấn đề bức thiết đặt ra. Đối với các đối tượng khác, nội dung học tập, quán triệt cần tập trung vào những nội dung, vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; coi trọng liên hệ tình hình nhiệm vụ ở cơ sở, giải đáp thắc mắc nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng...
 
Thứ ba, việc nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định, do đó không được xem nhẹ. Thực tế mấy nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy rất chú trọng vấn đề này nên đã tạo được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, huy động các nguồn lực để khắc phục có kết quả tình hình trên. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thế, tránh chung chung; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
 
Thứ tư, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ báo cáo viên. Từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ báo cáo viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về quan điểm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện. Có chế độ, chính sách động viên, hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên hoạt động có hiệu quả hơn. 
 
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; do đó, việc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết là rất quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, phải khẩn trương tổ chức tốt việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống ngay từ đầu nhiệm kỳ.
 
KHÁNH LINH