Tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ

08:11, 13/11/2015

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, doanh nhân, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS… 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, doanh nhân, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS… Sự quan tâm đó được thể hiện qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm để có những ý kiến góp ý chất lượng. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã kịp thời ghi nhận các ý kiến góp ý đó. 
 
Ông Khuất Minh Phương - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Dự thảo báo cáo chính trị đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận, công phu, đề cập khá rõ ràng, thẳng thắn, toàn diện về các vấn đề cần được quan tâm cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Qua nghiên cứu bản dự thảo văn kiện, vấn đề tôi quan tâm nhất vẫn là văn hóa - xã hội. Cụ thể, về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội... Về nội dung văn hóa, trong văn kiện nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo mục tiêu văn hóa phát triển con người toàn diện hướng đến chân, thiện, mỹ, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, đấu tranh phê phán đẩy lùi cái ác, cái lạc hậu... nhấn mạnh nhiều về xây dựng môi trường văn hóa... Đây là những vấn đề rất trúng, để làm khoảng cách tiếp thu văn hóa giữa thành thị và nông thôn gần nhau hơn. Đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong Đảng... là những phạm trù mới nhưng phù hợp với xu thế của thời đại, tiến tới hội nhập thế giới. Tuy nhiên, trong văn kiện đôi lúc còn đề cập đến vấn đề quá lớn, đưa nội dung của Nghị quyết 33 vào trong văn kiện là phạm vi quá rộng, trong khi văn kiện Đại hội chỉ trong phạm vi nhiệm kỳ 5 năm. Đổi mới giáo dục - đào tạo là cần thiết nhưng đừng gây xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý xã hội, cần có giải pháp khắc phục cho được bạo lực học đường, những tồn tại trong viết sách giáo khoa...
 
Ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Lâm Đồng: Là người làm công tác giáo dục nên tôi rất quan tâm lĩnh vực này. Giáo dục đất nước đã có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, còn có những hạn chế như trong dự thảo đã đề cập, nhưng cần phải nói sâu hơn, rõ hơn nữa đó là giáo dục vừa qua đã dần thoát ly khỏi những nguyên lý căn bản từ nhiều chục năm trước như: “Học đi đôi với hành”, “giáo dục gắn liền với phát triển sản xuất”, “nhà trường gắn liền với xã hội”... Nếu quán triệt nguyên lý này và phát huy đúng, có cách làm phù hợp thì chắc chắn giáo dục sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của giáo dục. Bên cạnh đó, là một đảng viên, tôi quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, nhất là uy tín của Đảng, dự thảo cũng nêu vấn đề “đạo đức trong Đảng” hiện nay là rất đúng, rất phù hợp và cần làm ngay để đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
 
Ông Bùi Thanh Long - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Giám sát - Phản biện xã hội (UBMTTQVN tỉnh): Tôi rất tâm đắc với nội dung mà Đảng nêu rõ “... xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT - XH”. Cả 3 nội dung đều được đặt tương đương nhau. Tuy nhiên, đặt vấn đề con người trong phần 7 là chưa phù hợp vì đây là vấn đề quan trọng, là mục tiêu động lực phát triển KT - XH. Con người là nhân tố quyết định mọi thứ, vì vậy về kết cấu nên đặt phần “phát triển văn hóa, xây dựng con người” vào vị trí thứ 4 sau 2 phần nói về kinh tế. Tôi đề nghị bổ sung cho mục tiêu chung phát triển con người là “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách...”. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế “Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân...”.
 
NGUYỆT THU