Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

10:11, 09/11/2015

Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2015; kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, UBND thành phố; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành mà nòng cốt là lực lượng công an, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
 
Bí thư Thành ủy Đà Lạt Huỳnh Thị Thanh Xuân nhấn mạnh: “Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đề ra những giải pháp có hiệu quả, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong công tác phòng, chống tội phạm; huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm thường xuyên được củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững, ổn định”.
Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2015; kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đoàn thể, đơn vị; tập trung nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm; chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến phường, xã đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đặt nhiệm vụ phòng chống tội phạm là một trong những chương trình lớn xuyên suốt cả nhiệm kỳ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
 
Để tăng cường hiệu quả chỉ đạo, tập trung vai trò chỉ đạo thống nhất các biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm, UBND thành phố đã quyết định sáp nhập “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” và “Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố” thành “Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và mua bán người thành phố”; đồng thời chỉ đạo củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Sau sáp nhập, vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp bước đầu đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm về trật tự xã hội. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố Đà Lạt đã tổ chức được 16 đợt phát động tập trung, 6 đợt phát động theo chuyên đề ở khu dân cư, 237 đợt phát động trong các trường học để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Việc triển khai được tiến hành đến từng tổ dân phố, thôn, cụm dân cư... thu hút trên 274.416 lượt người dân và 75.000 lượt học sinh - sinh viên tham gia. Cũng trong 5 năm qua, thành phố đã phát hành 206.199 bản tài liệu phòng, chống tội phạm và trên 321.830 tờ rơi phổ biến các nội dung pháp luật mới ban hành đến từng hộ dân trên địa bàn; hướng dẫn 249 tổ dân phố, thôn đăng ký xây dựng khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. 
 
Với vai trò chủ công, nòng cốt, Công an thành phố Đà Lạt đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề về đấu tranh với từng loại tội phạm như: tội phạm có tổ chức, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, phòng chống trộm xe gắn máy... Kết quả trong 5 năm, lực lượng công an đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 699 vụ - 700 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế, 211 vụ vi phạm về môi trường, 10 vụ - 17 đối tượng có hành vi tham nhũng... thu nộp ngân sách Nhà nước 2,2 tỷ đồng. Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy, lực lượng công an đã phát hiện bắt 151 vụ - 221 đối tượng có các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; thu 61,0354 gam heroin, 293,8336 gam ma túy tổng hợp, 760,94 gam cần sa khô, 10,5kg cần sa tươi... Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng công an đã điều tra làm rõ 942/1.148 vụ án chung (đạt 82%), trong đó có 86/92 vụ trọng án (đạt 93,48%); triệt phá 55 băng, nhóm tội phạm với 263 đối tượng hình sự các loại; bắt 39 đối tượng có lệnh truy nã, răn đe 14.791 lượt đối tượng hình sự. Ngoài ra, qua công tác điều tra mở rộng đã làm rõ thêm 352 vụ án xảy ra vào thời gian trước.
 
Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả, Đại tá Nguyễn Tấn Vũ - Trưởng Công an thành phố, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và mua bán người thành phố Đà Lạt khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn nòng cốt của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cùng các tầng lớp nhân dân. Công tác phòng ngừa phải luôn đi đôi với công tác đấu tranh trấn áp, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục là chính. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm nhằm xã hội hóa và huy động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm.
 
TỨ KIÊN