Đổi mới hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri

09:12, 25/12/2015

Tiếp xúc cử tri đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để Quốc hội nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Từ đó, giúp Quốc hội xây dựng được các nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, các địa phương...

Tiếp xúc cử tri đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để Quốc hội nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Từ đó, giúp Quốc hội xây dựng được các nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, các địa phương, đồng thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật hợp lý, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với tầm quan trọng đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT ngày 27/9/2012 của BTV Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN về việc Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, công tác tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã từng bước đổi mới hình thức, nội dung và nâng cao hiệu quả.
 
Ông Phạm Kim Khang - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Thường trực UB MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh từng bước cải tiến, đổi mới hình thức, nội dung công tác tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Cụ thể: thành lập nhiều tổ tiếp xúc cử tri so với trước, để tăng số lượng điểm tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội, đảm bảo sự phân công đại biểu tiếp xúc trực tiếp tại các đơn vị bầu cử, đồng thời có sự luân phiên giữa các đại biểu Quốc hội qua mỗi lần tiếp xúc tại các địa bàn, tạo điều kiện cho mọi đại biểu Quốc hội được tiếp xúc cử tri rộng rãi ở mọi địa bàn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. 
 
Để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho các địa phương cơ sở trong việc phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, hàng năm, Đoàn ĐBQH trao đổi, thống nhất với Thường trực UB MTTQVN tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH ngay từ đầu năm. Ngoài việc tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi công tác của đại biểu Quốc hội, Đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với MTTQ, các tổ chức thành viên, UBND tỉnh và các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh. Mặt khác, nội dung tiếp xúc cử tri cũng từng bước được đổi mới theo phương châm: chuyên sâu từng lĩnh vực, từng địa bàn có trọng tâm, trọng điểm, ý kiến của cử tri đi thẳng vào những vấn đề bức xúc, cần quan tâm, ngắn gọn, không tràn lan, chung chung, giúp các đại biểu Quốc hội dễ nắm bắt và tổng hợp để đề đạt với Quốc hội.
 
Bằng cách đổi mới như vậy, từ đầu kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII đến nay, UB MTTQVN và Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được trên 240 điểm, buổi tiếp xúc cử tri, với gần 20.000 lượt cử tri tham dự, đóng góp trên 3.000 ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm. Tại các điểm, buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương đã được đại diện của các cơ quan chức năng địa phương trực tiếp giải trình, trả lời, hoặc tiếp thu xử lý. Qua mỗi đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH đã phối hợp với UBMTTQ tỉnh kịp thời tổng hợp đầy đủ và phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan hữu quan của tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời tổng hợp để chuyển đến các bộ, ngành Trung ương và tham gia ý kiến trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội. Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành đã được UBMTTQ tỉnh và Đoàn ĐBQH thông báo cho cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, gửi đến chính quyền, mặt trận các cấp để thông báo rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Kim Khang, hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với UB MTTQ tỉnh, chính quyền các cấp có khi thiếu sự chặt chẽ. Việc điều hành ở một số điểm, buổi tiếp xúc cử tri chưa theo đúng quy định, có một số nơi mời cử tri mang tính đại diện, thời gian tiếp xúc cử tri ngắn, cử tri ít có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung ý kiến của cửa tri tại một số địa phương còn mang tính cá nhân, liên quan đến việc khiếu kiện của một cá nhân, hoặc một nhóm nhỏ cá nhân, dẫn đến hiệu quả tiếp xúc cử tri chưa cao. Công tác tổng hợp phản ánh các ý kiến, kiến nghị và việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ.
 
Từ thực tế đó, để công tác tiếp xúc cử tri thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Đoàn ĐBQH và Thường trực UB MTTQ tỉnh đã xây dựng những biện pháp hữu hiệu, thiết thực, khoa học, nhằm đưa công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào nề nếp, chặt chẽ, thường xuyên hơn. Mặt khác, cũng đề nghị các ngành hữu quan, chính quyền các cấp cần hỗ trợ tổ chức tiếp xúc cử tri tốt hơn, các cử tri cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với địa phương, với đất nước trong việc đóng góp ý kiến, kiến nghị với đại biểu, Đoàn ĐBQH trong các đợt tiếp xúc cử tri.
 
Hoàng Kiến Giang