Giáo dục thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

08:12, 04/12/2015

Là một lãnh tụ vĩ đại, Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò và tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"; từ đó, Người luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục thế hệ trẻ.

Là một lãnh tụ vĩ đại, Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò và tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”; từ đó, Người luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục thế hệ trẻ.
 
Từ tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người còn căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Việc giáo dục thế hệ trẻ được Bác đề cập rất nhiều nội dung, nhiều việc phải làm, nhưng trong đó cần chú trọng một số vấn đề cốt yếu sau đây: 
 
Trước hết, Bác đặt lên hàng đầu việc giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước. Trong 5 điều Bác dạy thiếu niên và nhi đồng, điều đầu tiên là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Sở dĩ Bác coi trọng giáo dục lòng yêu nước, bởi vì tinh thần yêu nước được hun đúc từ bao đời nay, là vốn quý và sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lịch sử, trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Các thế hệ ông cha đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, hy sinh biết bao xương máu cho đất nước được độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trách nhiệm của chúng ta là phải thông qua những tấm gương cách mạng đó để giúp thế hệ trẻ thấu hiểu được những cống hiến to lớn của thế hệ đi trước. Người căn dặn: “Chúng ta phải ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy… để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một ý chí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc”. Từ đó, giáo dục thế hệ trẻ đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một nét đẹp truyền thống, một lẽ sống quý báu của dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay càng có ý nghĩa to lớn. 
 
Thứ hai, Bác nhấn mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải quán triệt nguyên tắc giáo dục toàn diện. Bởi vì, một con người có trí tuệ và nhân cách phát triển lệch lạc không thể trở thành chủ nhân xứng đáng của đất nước; do đó phải hết sức coi trọng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để trở thành những con người phát triển hài hòa và toàn diện, Bác yêu cầu tuổi trẻ “… phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa…”. Có như thế mới trở thành những con người gương mẫu về đạo đức; có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo; có bản lĩnh, ý chí, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; biết vận dụng thành quả khoa học - công nghệ hiện đại vào thực tiễn; đồng thời, có thể chất cường tráng, mạnh mẽ… mới có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách, làm tròn được những nhiệm vụ vẻ vang nhưng rất nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó. 
 
Thứ ba, đặc biệt, trong điều kiện toàn cầu hóa và sự bùng nổ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, ngoài việc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải biết vươn lên làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất để xóa bỏ nghèo đói và tụt hậu, rút ngắn khoảng cách với những quốc gia phát triển, còn phải chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có mấy điểm chính là: Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp; Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”; Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ. 
 
Thứ tư, nhiệm vụ của thanh thiếu niên không chỉ là học tập, rèn luyện, mà còn phải biết cống hiến và hy sinh. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Với tuổi trẻ hôm nay, lời nói của Bác tuy giản dị nhưng thật sâu sắc.
 
Thứ năm, Bác rất chú trọng tới vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên CSHCM trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Nói như thế không có nghĩa hạ thấp vai trò của gia đình và xã hội, những yếu tố không thể thiếu trong việc tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Sở dĩ Bác nhấn mạnh yếu tố trường học bởi đây là môi trường thuận lợi nhất để giáo dục thế hệ trẻ trên mọi phương diện; là nơi có điều kiện nhất để học sinh trau dồi đạo đức, rèn luyện những phẩm chất cần thiết, tiếp thu những tri thức, những kinh nghiệm một cách hệ thống để chuẩn bị bước vào đời. Cho nên Bác yêu cầu nhà trường: “Cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước, thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”.
 
Còn tổ chức Đoàn Thanh niên CSHCM là môi trường rất tốt để tuổi trẻ rèn luyện và cống hiến và thực tế cũng đã chứng minh hùng hồn, sinh động điều đó. Nói về tổ chức Đoàn, Bác Hồ căn dặn: “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”. 
 
Hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong học tập và làm theo lời dạy của Bác; làm được nhiều việc tốt, năng động, sáng tạo và đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, kinh doanh và chiến đấu.
 
Những thành tích đó đã chứng minh vai trò và năng lực của các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích rất đáng tự hào, tuổi trẻ vẫn còn những điều làm chúng ta day dứt, lo lắng; không ít bạn trẻ thiếu tự giác học tập, rèn luyện, sống thiếu lý tưởng cao cả để phấn đấu, không có niềm tin, không có sự định hướng một cách đúng đắn; có thói quen đua đòi, hưởng lạc, chạy theo những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội, mải mê theo đuổi những giá trị vật chất thấp kém, tầm thường mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình đối với đất nước, nhân dân. Điều đó đang đòi hỏi chúng ta phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những điều Bác dạy.
 
Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa hiện nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, do đó vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ lại càng vinh dự và nặng nề. Tương lai của đất nước, của dân tộc ta “có trở nên tươi đẹp được hay không,... có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không”; tất cả đang trông chờ vào tuổi trẻ, được quyết định bởi những suy nghĩ đúng đắn, những việc làm cụ thể của tuổi trẻ hôm nay. Vì vậy, hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần thấm nhuần và quán triệt sâu sắc hơn nữa những lời Bác dạy; từ đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện để “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội cần quan tâm chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để tuổi trẻ phát huy tốt vai trò của mình, đúng như những điều Bác Hồ mong muốn.
 
KHÁNH LINH