Nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm về phát triển giáo dục - văn hóa

09:12, 15/12/2015

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân. Việc theo dõi, nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo báo cáo chính trị để có những ý kiến góp ý chất lượng trên các lĩnh vực đã được quan tâm, trong đó có lĩnh vực giáo dục - văn hóa. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân. Việc theo dõi, nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo báo cáo chính trị để có những ý kiến góp ý chất lượng trên các lĩnh vực đã được quan tâm, trong đó có lĩnh vực giáo dục - văn hóa. Phóng viên báo Lâm Đồng đã có ghi nhận các ý kiến góp ý nói trên. 
 
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Lâm Đồng: Qua nghiên cứu bản Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới, tôi nhận thấy dự thảo báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận, công phu, đề cập khá rõ ràng, thẳng thắn, toàn diện về các vấn đề cần được quan tâm cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, tôi xin được chia sẻ về cảm nhận của mình như sau: “Chúng ta đổi mới tư duy chính trị, tư duy lãnh đạo quản lý, tư duy kinh tế trong tất cả các lĩnh vực cũng ít nhiều đều hướng đến mục tiêu “năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Vậy điểm lại hiện trạng của đất nước và đối chiếu với những yêu cầu đòi hỏi trong bối cảnh hội nhập thế giới, Dự thảo Báo cáo lần này cho thấy, năng suất lao động của ta còn quá thấp, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Đây chính là yếu điểm, mà nếu không được nhìn nhận thống nhất với sự quyết tâm nỗ lực cao của người lao động và người quản lý thì khó lòng vượt qua được thử thách, tụt hậu. Tư duy độc lập sáng tạo được coi là yếu tố then chốt của “năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Nó cần được gieo mầm, nuôi dưỡng, bồi đắp trong hình thành trí tuệ, phát triển trí tuệ và tính cách mỗi con người từ khi sinh ra đến hết cuộc đời. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những năm tháng được học hành qua các bậc học. Điều này tạo ra cho nhiệm vụ “Đổi mới căn bản và toàn diện GD- ĐT” phát triển nguồn nhân lực - một giá trị cao cả - một mục tiêu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Muốn cho học sinh có tư duy độc lập - sáng tạo trong tiếp thu và sử dụng tri thức, thì yêu cầu trước tiên là các thầy, cô giáo phải thể hiện được tư duy độc lập sáng tạo của mình trong việc dạy học, trong việc tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện mọi hoạt động của nhà trường, và trong chức năng cầu nối của nhà trường với xã hội. Trước tiên, cần sự đổi mới tư duy của chính những nhà quản lý thực thi hoạt động giáo dục - đào tạo, chứ không phải bắt đầu từ việc biên soạn, đổi mới, thay thế toàn bộ sách giáo khoa cho các cấp học, mặc dù đây là công việc cần thiết phải làm…
 
* Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng: Là người làm trong lĩnh vực giáo dục lâu năm, nên tôi rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển giáo dục trong giai đoạn 2015 - 2020, nhất là thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW (HN TW lần thứ 8 khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục - đào  tạo…”. Tuy nhiên, trong Dự thảo Báo cáo chính trị XII lại nêu quá khái quát, rất khó tìm được hướng đi phù hợp trong những năm tiếp theo. Chưa đánh giá được thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 29, những gì nước ta đã làm được, chưa làm được, so sánh các nước trong khu vực để thấy nước ta còn yếu kém ở mặt nào từ đó có phương hướng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới mà Báo cáo chính trị XII nêu “phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Theo tôi, “Đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT” phải được thể hiện rõ trên các mặt cốt lõi như: Đổi mới tư tưởng phát triển chỉ đạo; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách giáo dục; Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và sự vận hành của cơ sở giáo dục; Đổi mới sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội, bản thân người học và quá trình giáo dục đào tạo. Đây là những phần cần được đánh giá trong phần “Tình hình”. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc đầu tư cho giáo dục đã thật sự được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hay chưa. Dự thảo Báo cáo nêu: “Ngân sách nhà nước chi cho GD - ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Điều này không hợp lý, vì hiện nay nhà nước đã chi cho GD - ĐT ở mức 20%. Cần tăng lên mức từ 25 - 27% để phù hợp.
 
* Nhà thơ Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng: Qua nghiên cứu, tìm hiểu tôi nhận thấy Dự thảo Báo cáo chính trị lần này cần làm sáng tỏ hơn khái niệm “Thị trường định hướng XHCN” cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Xác định thật khoa học trên cơ sở hiện thực vai trò của “Kinh tế nhà nước”. Cần xem lại một số khái niệm “Công nghiệp văn hóa” , thay từ “xây dựng con người” thành “Phát triển con người” hoặc “xây dựng con người mới XHCN”. Về nguyên nhân hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, kiến nghị cần có sự điều chỉnh cách viết ở cuối trang 74 của Dự thảo Báo cáo “khó và đã kéo dài”. Riêng về lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi đề nghị điều chỉnh lại tại mục VII có đoạn “Phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của các Hội VHNT. Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là văn nghệ sĩ tài năng, nhằm sáng tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao”.
 
Nguyệt Thu