Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH

09:12, 25/12/2015

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Vũ Công Tiến - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng...

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Vũ Công Tiến - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về sự kiện này, cùng những thành tựu to lớn của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thời gian qua.
 
PV: Thưa ông, xin ông cho biết một vài nét cơ bản về lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam?
 
Ông Vũ Công Tiến
Ông Vũ Công Tiến
Ông Vũ Công Tiến: Cách đây 70 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những sự kiện trọng đại. Quốc dân Ðại hội Tân Trào (ngày 16 tháng 8 năm 1945), Cách mạng Tháng Tám (ngày 19/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ĐBQH khóa I (ngày 6/1/1946) là những sự kiện đánh dấu sự mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Trong đó, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dấu mốc phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
 
Quốc hội khóa I ra đời trong điều kiện nhân dân cả nước thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, hoạt động kéo dài gần 15 năm (1946 - 1960). Trong nhiệm kỳ đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là bản Hiến pháp “... tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...”. Sự ra đời của bản Hiến pháp cũng đã đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập chế độ dân chủ cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ðây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới.
 
Tiếp đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. 
 
PV: Hòa chung dòng chảy 70 năm ấy, Quốc hội Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu cơ bản nào, thưa ông?
 
Ông Vũ Công Tiến: Ngay từ khóa đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, Lâm Đồng đã vinh dự có 2 đại biểu (thuộc tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng cũ), được bầu là ĐBQH. Do điều kiện, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, nên từ khóa II, III, IV và V tỉnh Lâm Đồng không có ĐBQH nào. Sau ngày thống nhất đất nước, Quốc hội từ khóa VI đến khóa XIII, Lâm Đồng đều có ĐBQH, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong tỉnh. 
 
Qua 70 năm cùng với sự ra đời, phát triển và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, 13 khóa Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thông qua các hoạt động như tiếp xúc cử tri, giám sát, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước... Đoàn ĐBQH đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp thực tế. Đồng thời đã làm tốt công tác xã hội, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. 
 
Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động giám sát; tiếp xúc cử tri; tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu kiện của công dân.
 
PV: Với nhiều đổi mới qua các kỳ Quốc hội, trong giai đoạn tới, theo ông, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nói chung, mỗi vị ĐBQH Lâm Đồng nói riêng cần phải phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri như thế nào để tạo niềm tin trong nhân dân, hoàn thành sứ mệnh của người đại biểu nhân dân?
 
Ông Vũ Công Tiến: Là đại biểu dân cử trước hết phải là người đại diện thực sự của dân, sát dân, gần dân và hiểu dân, chuyển tải trung thực những nguyện vọng chính đáng của cử tri đến các cơ quan công quyền. Làm cho các nguyện vọng chính đáng của dân thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tiếp tục đổi mới chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH, bằng kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, để có sự phối hợp đồng bộ của từng ĐBQH, của Đoàn ĐBQH với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Tăng thời lượng nghiên cứu xây dựng pháp luật, hiệu quả tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, nhất là những vấn đề quan trọng của địa phương, bức xúc của xã hội. Tạo điều kiện để người dân được bày tỏ chính kiến của mình.
 
Sắp đến nhân dân cả nước sẽ tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, tôi tin tưởng rằng cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị, năng lực, có tâm huyết, trách nhiệm, gần gũi nhân dân, để bầu vào ĐBQH. Nhân dịp này cho tôi thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các đơn vị địa phương trong tỉnh cùng cử tri và đồng bào các dân tộc đã hỗ trợ, giúp đỡ Đoàn ĐBQH hoàn thành nhiệm vụ.
 
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
 
NGUYỆT THU (thực hiện)