Một năm nhìn lại công tác giám sát và phản biện xã hội

09:12, 31/12/2015

Đoàn Trung ương UBMTTQ Việt Nam qua kiểm tra thực tế tại cơ sở đã có đánh giá, nhận định rất tốt về kết quả nổi bật mà UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong công tác giám sát và phản biện xã hội - ông Phạm Kim Khang, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho chúng tôi nhận định khái quát. 

Nhìn lại năm 2015, công tác giám sát và phản biện xã hội đã đi vào nề nếp, với những công việc cụ thể đạt kết quả tương đối cao, tiếp tục tạo lòng tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Đoàn Trung ương UBMTTQ Việt Nam qua kiểm tra thực tế tại cơ sở đã có đánh giá, nhận định rất tốt về kết quả nổi bật mà UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong công tác giám sát và phản biện xã hội - ông Phạm Kim Khang, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho chúng tôi nhận định khái quát. 
 
Ký kết phối hợp giữa HĐND - UBND - UBMTTQ
Ký kết phối hợp giữa HĐND - UBND - UBMTTQ

Giám sát những vấn đề nhân dân quan tâm
 
Trong năm qua, UBMTTQ tỉnh đã thực hiện “giám sát về việc thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng”; “giám sát thực hiện khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố” theo Nghị quyết số 87/2013/NQ - HĐND ngày 5/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh; “giám sát thực hiện hỗ trợ chính sách sản xuất tại các xã nghèo theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2015”; “giám sát thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp lý của UBND tỉnh đối với UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Nội dung, quy trình, phương pháp giám sát đảm bảo đúng quy định; vai trò của nhân dân được phát huy thông qua đối thoại trực tiếp, khảo sát các vấn đề liên quan. Quan hệ phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền các cấp được tăng cường; trách nhiệm của đối tượng được giám sát được nâng cao. Kiến nghị giám sát được các cơ quan chính quyền tiếp thu và tổ chức thực hiện nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Ông Chủ tịch UBMTTQ Phạm Kim Khang nhấn mạnh: Qua thực tiễn, cho thấy công việc giám sát là hết sức cần thiết, bài học rút ra là cần giám sát những vấn đề gì mà nhân dân quan tâm, những việc đó phải đáp ứng lợi ích, nhu cầu của nhân dân.
 
Kết quả giám sát còn được thể hiện trong công tác phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành liên quan. Trong thời gian qua, đã tiến hành 32 cuộc giám sát trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; đơn thư khiếu nại, tố cáo, các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác quản lý bảo vệ rừng; các hoạt động văn hóa - xã hội, việc quản lý các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; việc quản lý kinh doanh trên thị trường về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở cơ sở thông qua cơ chế đánh giá sự hài lòng của người dân… Qua giám sát, đã kịp thời kiến nghị các giải pháp nâng cao trách nhiệm quản lý điều hành của chính quyền các cấp, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Tại địa phương: Thành phố Đà Lạt giám sát kế hoạch thực hiện Nghị quyết 07 - NQ/TU của Thành ủy về xây dựng thành phố văn minh, thân thiện; huyện Đạ Tẻh giám sát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách; Bảo Lâm giám sát về chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; huyện Đạ Huoai giám sát các nguồn vốn do nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng; Lâm Hà giám sát việc chi trả dịch vụ môi trường rừng… Hầu hết các nội dung giám sát đều rất sát với địa phương, qua đó, góp phần khắc phục đáng kể những hạn chế, sai sót trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
 
“MTTQ đã đi sâu phản biện những dự thảo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đề ra những giải pháp liên quan đến chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội địa phương. Nhằm đạt hiệu quả cao nhất phải kết hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương, để nhiều đoàn không cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ giám sát, gây khó khăn cho cơ sở. Đồng thời qua đó, cũng nhằm mục đích để bổ sung chất lượng công việc cho nhau, những công việc liên quan đến đoàn thể chính trị nào thì tổ chức đoàn thể đó chủ trì thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất” - ông Hoàng Liên - Phó Chủ tịch MTTQ, người phụ trách lĩnh vực giám sát và phản biện cho hay. 
 
Phản biện thuyết phục
 
Năm 2015, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tiến hành phản biện dự thảo văn bản của Tỉnh ủy “Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2015”; các dự thảo văn bản của UBND tỉnh “Quy định về quản lý đất đai đối với các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Quy định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh”; “Quy định về thang bảng điểm xét duyệt đối tượng, điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh”… Để có cơ sở phản biện, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, chuyên gia trên các lĩnh vực. Đặc biệt, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn giám sát và phản biện xã hội trong hoạt động phản biện. Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành khảo sát thực tế, tiếp nhận thông tin của địa phương, dư luận xã hội… làm cơ sở để chọn những vấn đề trọng tâm phản biện. Qua phản biện, rất nhiều văn bản đã được UBND tỉnh cầu thị tiếp thu trước khi ban hành, góp phần quan trọng khắc phục những điểm còn bất cập, chưa hợp lý, hoặc chưa sát với cơ sở… trong các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước nhận được sự đồng tình từ nhân dân. 
 
Năm 2016: Tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Đảng
 
Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn tới phải được đặt vấn đề rõ ràng để đạt chất lượng hơn. Năm 2016, MTTQ sẽ tập trung giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng. Cụ thể là sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Chỉ đạo MTTQ các địa phương thực hiện giám sát các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Trong đó, chọn ra những vấn đề chính, trọng tâm phù hợp với địa phương của mình để giám sát, tránh dàn trải, kém chất lượng - ông Phạm Kim Khang cho biết. Riêng về lĩnh vực giám sát, năm 2016, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội sẽ tập trung giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách mà Đảng đã ban hành về kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự an toàn xã hội… chú trọng giám sát việc thực thi giải quyết những khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, làm an dân, tránh để xảy ra những sơ suất, khuyết điểm không đáng có. 
 
Nguyệt Thu