Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước - mốc son chói lọi không thể nào phai

10:12, 25/12/2015

Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử" để bầu ra Quốc hội.

Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử” để bầu ra Quốc hội.
 
Sau khi quyết định tổ chức tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã khẩn trương xây dựng và ban hành gần một chục sắc lệnh về bầu cử nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử được tự do, dân chủ. Cùng với việc ban hành các sắc lệnh về Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời cũng công bố bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên để nhân dân tham gia ý kiến (tháng 11/1945). Nghiên cứu các quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
 
Một là, trong lịch sử hiếm có một đất nước nào chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, khi đất nước đang phải đương đầu với biết bao khó khăn chồng chất, Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử và năm ngày sau đó, ngày 8/9/1945 ban hành Sắc lệnh đầu tiên (SL số 14) để chính thức ấn định sau 2 tháng sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử.
 
Hai là, Các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã có những quy định thể hiện một cách triệt để nội dung, yêu cầu nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân. Điều 2 Sắc lệnh 14 và Sắc lệnh 51 quy định rõ: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Nguyên tắc bầu cử tự do còn được thể hiện trong các quy định về tự do vận động tranh cử, nhưng cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ cộng hòa v.v.
 
Ba là, những quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
 
Bốn là, các quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử năm 1946 rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ; có hiệu lực trực tiếp, có thể thực hiện được ngay, không cần chờ đợi những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Điều này hết sức phù hợp với tình hình đất nước lúa bấy giờ.
 
Có thể nói, từ trước đến nay, thật hiếm có cuộc bầu cử nào lại diễn ra như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ở nước ta. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở phía Nam. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Riêng tại Hà Nội, 91,95% cử tri đã đi bỏ phiếu, có 6/74 ứng cử viên của Hà Nội trúng cử, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta; đồng thời cũng nói lên khát vọng độc lập, tự do và tình đoàn kết của nhân dân ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, đó là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.       
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta; thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, tôi đòi đã trở thành chủ nhân của đất nước độc lập, tự do; có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới, chế độ Cộng hòa dân chủ nhân dân.
 
Cuộc Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, cử ra Chính phủ, ban hành Hiến pháp, tạo dựng bộ máy chính quyền chính thức, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Từ đây, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ nước ta có Quốc hội, có một Chính phủ hợp hiến thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ.
 
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, những nguyên tắc tiến bộ về bầu cử, ứng cử như không phân biệt trai, gái, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín… đã tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp và thể chế hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sau này. Những quy định về thể lệ bầu cử, nguyên tắc bầu cử trong các văn bản đầu tiên về Tổng tuyển cử đã được tiếp tục khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946 và được phát triển, hoàn thiện trong các Hiến pháp tiếp theo, được cụ thể hóa trong các Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 1960, 1964, 1980, 1997, 2001, 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Giá trị lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và Quốc hội khóa I chính là giá trị đổi đời, từ cuộc đời nô lệ phụ thuộc thực dân sang làm chủ, giành lấy quyền, giành lấy độc lập, tự do của một dân tộc mà không phụ thuộc vào bên ngoài. Đó là kết quả đấu tranh vì quyền tự quyết của dân tộc, quyền chính trị cơ bản của công dân mà nhiều thế hệ phải hy sinh xương máu mới có được.
 
Để phát huy quyền dân chủ của công dân, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, pháp luật về bầu cử đã kế thừa và không ngừng hoàn thiện quy định về quyền tự ứng cử của công dân. Đây là tư tưởng thể hiện mở rộng dân chủ trong bầu cử, ngoài việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thì pháp luật cũng bảo đảm cho công dân quyền được tự ứng cử đại biểu Quốc hội nếu thấy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội vừa qua, thực hiện quy định này, nhiều công dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội bảo đảm tiêu chuẩn đã được lựa chọn đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội để cử tri bầu và đã trúng cử.
 
70 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam độc lập thực sự là một cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt, khôn khéo, dũng cảm, đầy sáng tạo của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta, khi chính quyền cách mạng đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Đây là một sự kiện lịch sử thiêng liêng, trọng đại; là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam; đã để lại những bài học lịch sử quý giá về xây dựng, bảo vệ chính quyền đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
 
VĂN NHÂN