Tập hợp trí tuệ toàn dân trong hoạt động xây dựng pháp luật

09:12, 25/12/2015

Thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Những sáng tạo, cải tiến trong công tác này của Đoàn ĐBQH đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri trong tỉnh. 

Thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Những sáng tạo, cải tiến trong công tác này của Đoàn ĐBQH đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri trong tỉnh. 
 
Cử tri đồng bào DTTS kiến nghị với ĐBQH. Ảnh: NGUYỆT THU
Cử tri đồng bào DTTS kiến nghị với ĐBQH. Ảnh: NGUYỆT THU

Quy trình xem xét và thông qua các dự án luật, pháp lệnh theo các quy định mới của luật được Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng xác định là một trong những nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của đoàn. Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lập kế hoạch công tác xây dựng pháp luật cụ thể cho từng năm. Một trong những cải tiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng là việc từng đại biểu đã chủ động khảo sát thực tế, tìm hiểu những bất cập trong văn bản pháp luật hiện hành, những vấn đề thực tiễn phát sinh, nhưng luật hiện hành chưa điều chỉnh, nhằm đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi để góp ý xây dựng luật có chất lượng. Đồng thời, đơn vị tiến hành xây dựng đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật, để giúp Đoàn ĐBQH trong các hoạt động như: góp ý các dự án luật, tư vấn về một số lĩnh vực trong công tác giám sát, tư vấn các ý kiến kiến nghị để ĐBQH chất vấn trước Quốc hội... Tổ tư vấn hiện có 20 thành viên là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và hiện đang công tác tại các cơ quan thi hành pháp luật trong tỉnh. Đặc biệt, Tổ còn có những thành viên là đại biểu Quốc hội khóa trước. Theo thống kê từ Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, tính riêng trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH đã tổ chức được 104 hội nghị, hội thảo để các đại biểu và thành viên Tổ tư vấn pháp luật của Đoàn thảo luận, góp ý tham gia 104 dự án luật. Riêng năm 2015, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội thảo góp ý cho 28 dự án luật. Đây là con số nhiều nhất trong vòng 5 năm qua. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi hơn 100 dự án luật đến các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thảo luận và góp ý kiến. Đó chính là những kênh thông tin quan trọng để Đoàn ĐBQH tham gia ý kiến đóng góp xây dựng tại các kỳ họp của Quốc hội.
 
Trong những năm qua, Đoàn ĐBQH đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Luật gia tỉnh... tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân; các ngành, các cấp đối với những dự thảo luật quan trọng như: Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai, Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, Dân sự... Qua đó, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa trong đông đảo quần chúng nhân dân. Cách làm này đã góp phần tập hợp được trí tuệ của toàn dân trong việc đóng góp cho các dự thảo luật. Đồng thời thể hiện sự mở rộng, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội. Qua đó, góp phần để nhân dân nắm vững những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của công dân và của cộng đồng về những nội dung trong các dự án luật đưa ra. Cũng từ đây, nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri tỉnh Lâm Đồng đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Bên cạnh việc đóng góp xây dựng luật, tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm. Công tác tiếp xúc cử tri được Đoàn duy trì với việc đa dạng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Các buổi tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, bảo đảm đại biểu Quốc hội lắng nghe, trao đổi trực tiếp với cử tri trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm. Thông qua Đoàn ĐBQH, pháp luật được tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đồng thời, những nội dung cử tri kiến nghị đã được gửi đến các cơ quan chức năng để có phương án giải quyết.
 
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần tạo điều kiện để người dân đóng góp ý kiến của mình vào công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời cũng là cách để Đoàn ĐBQH tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống. Các ĐBQH đã phát huy vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, kịp thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và đề xuất với cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, nhất là trong vấn đề xây dựng pháp luật. Những nỗ lực của Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang làm cho ý Đảng và lòng dân chung về một mối.
 
N. NGÀ