Thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả, thiết thực

08:12, 11/12/2015

Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 139, ngày 8/9/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 139, ngày 8/9/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Tỉnh ủy đã xác định rõ tinh giản biên chế là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC; thu hút những người có đức, có tài; cắt giảm đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc…  
 
Thời gian trước đây, nước ta đã nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế và đạt được một số kết quả nhất định, đó là: bước đầu góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ CB, CC, VC, đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn; từng bước xây dựng cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển CB, CC, VC hàng năm; việc thực hiện tinh giản khá đồng bộ, công khai, dân chủ, có chính sách hỗ trợ cho những người trong diện tinh giản biên chế... 
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu việc thực hiện tinh giản biên chế vừa qua vẫn còn nhiều hạn chế và dư luận xã hội cho rằng: số lượng sau tinh giản không giảm được bao nhiêu, thậm chí còn đẻ ra thêm; chưa thực sự giảm được những người cần giảm; tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu như mong muốn...
 
Nguyên nhân của những hạn chế có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do nể nang, né tránh, vì lợi ích cục bộ; cơ chế khoán kinh phí chi thường xuyên và việc xác định biên chế thuộc các loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị thiếu các căn cứ xác đáng; chính sách, biện pháp tinh giản biên chế chưa đầy đủ và toàn diện; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xác định một cách đầy đủ, triệt để; mục tiêu, cơ chế và phương thức tuyển dụng, đánh giá, phân loại và xử lý CB, CC, VC còn bất cập, mang tính chủ quan; cơ chế “xin - cho” về biên chế và tình trạng “hành chính hóa” các hội vẫn chưa được giải quyết; các lĩnh vực sự nghiệp, các dịch vụ công chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để thực hiện xã hội hóa; chưa thực hiện đồng bộ việc tinh giản biên chế với các nội dung khác của công tác tổ chức nhân sự… 
 
Để thực hiện việc tinh giản biên chế Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đạt kết quả và mục tiêu đề ra, cần thay đổi tư duy, nhận thức lại vấn đề để có các giải pháp mới, phù hợp, khắc phục tình trạng tinh giản biên chế chỉ đơn thuần về số lượng, không tính đến các giải pháp khác để hỗ trợ và tiến hành đồng bộ. Trước đây, việc giao chỉ tiêu biên chế chỉ căn cứ vào nhu cầu, nhiệm vụ, khối lượng công việc, mức độ phức tạp của nhiệm vụ, phạm vi quản lý và thường theo đề nghị của các cấp, các đơn vị. Hiện nay, xem xét, quyết định số biên chế theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Đây là điểm cơ bản, mấu chốt để đổi mới cơ chế quản lý biên chế, quản lý CB, CC, VC. Ngoài ra còn phải tính đến các yếu tố khác như cách thức tổ chức lao động có tính đặc thù, mức độ phát triển của kinh tế, xã hội, các yếu tố văn hóa, vị trí địa lý, trình độ dân trí, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, tin học, trang thiết bị hiện đại…
 
Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là hai khâu quan trọng, có mối quan hệ gắn bó với nhau. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là tiền đề, là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế. Đảng ta đặt ra mục tiêu “tinh giản biên chế” là rất đúng đắn, là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC. Bản chất của tinh giản là để số lượng cán bộ còn lại ở mức thấp nhất, hợp lý nhất, nhưng vẫn đảm bảo các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị tốt nhất. Vì vậy, chỉ tiêu tinh giản tổng thể - đến năm 2021 phải giảm 10% số CB, CC, VC trong cả nước mang tính tổng thể, không có tính bình quân máy móc. Do đó, sẽ có nơi phải giảm, có nơi giảm nhiều, nơi giảm ít, thậm chí có nơi không phải giảm mà còn được tăng thêm, tùy theo chức năng, nhiệm vụ và chức trách cán bộ mà quyết định. 
 
Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lần này có thuận lợi rất cơ bản là Đảng đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, hơn nữa yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước không cho phép chần chừ…
 
Tuy nhiên, có thể nói việc thực hiện tinh giản thì những khó khăn, rào cản lại nhiều hơn thuận lợi. Đó là những rào cản liên quan đến các vấn đề: nhận thức, tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ; tính dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; chính sách hỗ trợ cho những người phải tinh giản; tiêu cực kể cả tham nhũng trong thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ… Nếu không khắc phục được các rào cản thì khó đạt được mục tiêu đề ra và sẽ lặp lại tình trạng trước đây. 
 
Để khắc phục những khó khăn, rào cản, trước hết cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tinh giản tổ chức, bộ máy; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự thông suốt của các cấp, các ngành, của CB, CC, VC trong cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương thực hiện tinh giản biên chế.
 
Thứ hai, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị phải nhận thức đúng và gương mẫu trong thực hiện; chống tư tưởng cục bộ, bản vị, nhất là vì lợi ích nhóm “Giảm ai cũng được, nhưng không phải là tôi, con cháu và người thân của tôi”. Đây có thể được xem là rào cản lớn nhất hiện nay.
 
Thứ ba, yêu cầu việc xác định số lượng CB, CC, VC phải giảm của các cấp, ngành, đoàn thể… phải được thực hiện một cách khách quan, khoa học, tránh chủ nghĩa bình quân, đặc biệt ngăn chặn không để xẩy ra cơ chế “xin - cho”, tiêu cực, tham nhũng, một căn bệnh trầm kha hiện nay. Việc tinh giản cần tập trung ở các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, các tổ chức đoàn thể mà ở đó cần chất lượng hơn là số lượng; quan tâm nhiều hơn ở cấp cơ sở, nơi trực tiếp với dân, triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định và hoạt động của cấp trên.
 
Thứ tư, thực hiện thật nghiêm việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, bộ máy, không để trùng lắp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu đội ngũ CB, CC, VC theo ngạch, chức danh nghề nghiệp phù hợp, cùng với đánh giá vô tư, khách quan, chính xác từng CB, CC, VC, làm căn cứ cho việc tinh giản. Đây là một công việc khó, nhưng làm tốt sẽ khắc phục tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. 
 
Thứ năm, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển dụng, sử dụng, quản lý CB, CC, VC theo hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; trong đó chú trọng đến phẩm chất, trình độ, năng lực, cán bộ trẻ, bảo đảm tỷ lệ nữ, người dân tộc thiểu số một cách phù hợp. Phải công khai số lượng và tiêu chuẩn tuyển chọn, tổ chức thi tuyển khách quan. Thực hiện triệt để chế độ khoán quỹ lương nhằm khuyến khích sử dụng những người có phẩm chất, năng lực.
 
Thứ sáu, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đảm bảo các đối tượng thuộc diện phải cắt giảm có đời sống không khó khăn hơn, những người có điều kiện sẽ tìm được công việc phù hợp.
 
Với nhận thức mới, cách làm mới, hy vọng việc thực hiện tinh giản biên chế lần này sẽ đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.                                        
 
KHÁNH LINH