Tình trạng tham nhũng vẫn phức tạp

08:12, 10/12/2015

Nhìn lại kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua cho thấy, số vụ việc bị phát hiện khá nhiều, xử lý khá nghiêm minh. Đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN theo dõi, chỉ đạo, tòa án xét xử sơ thẩm 5 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ; 

Nhìn lại kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua cho thấy, số vụ việc bị phát hiện khá nhiều, xử lý khá nghiêm minh. Đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN theo dõi, chỉ đạo, tòa án xét xử sơ thẩm 5 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ; Viện Kiểm sát có cáo trạng truy tố 6 vụ cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 vụ; đang điều tra 7 vụ. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại hơn 950 tỷ đồng và 9.887m 2 đất; đã thu hồi hơn 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi 2.887m 2 đất.
 
Tuy nhiên, báo cáo trước Quốc hội về PCTN năm 2015, Chính phủ nêu rõ: Kết quả PCTN có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng) cho rằng báo cáo nhận định tình hình tham nhũng không giảm nhưng số vụ tham nhũng bị phát hiện lại giảm chứng tỏ công tác điều tra, khám phá tội phạm tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. 
 
Đáng mừng là nhận thức của người dân đối với công tác PCTN có dấu hiệu chuyển biến rõ rệt. Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ đối với 1.612 công chức, viên chức, người dân (công bố tháng 8-2015) cho thấy: 77,8% số công chức, viên chức và 77,6% người dân được hỏi cho biết sẵn sàng tố cáo khi biết về hành vi tham nhũng (tỷ lệ này năm 2012 là 79% đối với công chức, viên chức; 42,9% đối với người dân).
 
Khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới thực hiện tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân cho kết quả: 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức, trong đó 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng; 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích để “nuôi quan hệ”; 56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý...
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, BTV Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó góp phần ngăn chặn và phát hiện vi phạm, sai phạm về tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phát hiện 7 tổ chức Đảng có vi phạm trong quản lý và sử dụng tài chính với tổng giá trị sai phạm trên 276 triệu đồng. Thanh tra tỉnh đã tiến hành 200 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế gần 130 tỷ đồng; xử lý kỷ luật 18 cán bộ có sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng có dấu hiệu hình sự. Cơ quan công an đã phát hiện, điều tra, xử lý 71 vụ (110 bị can), trong đó án kinh tế 56 vụ (87 bị can), án tham nhũng 15 vụ (23 bị can). Trong hơn 2 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ thu hồi được 7,6 tỷ đồng/16,8 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng.
 
Phòng chống tham nhũng vẫn là cuộc đấu tranh nhiều cam go, phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định hình phạt thật nghiêm để trừng phạt, răn đe, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, việc tăng cường giám sát của các tổ chức Đảng, UBMTTQ, các đoàn thể, đại biểu Quốc hội, HĐND, các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân giữ vai trò quan trọng, tạo dư luận rộng rãi, đấu tranh với nạn tham nhũng.
 
BBT