Vẫn nóng chuyện "4 bộ quản một mâm cơm"

10:12, 03/12/2015

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, một lần nữa, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) lên tiếng chất vấn các Bộ trưởng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề này được ông nhiều lần chất vấn, qua các phiên chất vấn trực tiếp cũng có, qua văn bản và qua trao đổi ngoài hành lang kỳ họp Quốc hội cũng nhiều. 

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, một lần nữa, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) lên tiếng chất vấn các Bộ trưởng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề này được ông nhiều lần chất vấn, qua các phiên chất vấn trực tiếp cũng có, qua văn bản và qua trao đổi ngoài hành lang kỳ họp Quốc hội cũng nhiều. Nhưng thật đáng tiếc, cho tới phiên họp áp chót của Quốc hội khóa XIII, câu hỏi này một lần nữa lại làm nóng nghị trường khi đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh bức xúc: “Chưa bao giờ, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại ngắn và dễ dàng đến thế”. 
 
Có thể nói, đây không chỉ là bức xúc của đại biểu Quốc hội mà là nỗi nhức nhối của toàn dân. Biết bao biện pháp, nhiều cách làm, nhiều cải tiến, chuyển đổi..., nhưng rồi cuối cùng, người dân vẫn luôn trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi, không biết chọn thức ăn gì để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình. Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã nói hộ suy nghĩ của đại đa số người dân khi cho rằng, tình trạng này không những không giảm mà ngược lại có chiều hướng gia tăng. Thịt lợn chứa chất cấm; chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu; rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép; rồi tình trạng tùy tiện sử dụng chất tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi diễn ra khá phổ biến… Nguy hại hơn khi chính những người nông dân, tư thương, hoặc thiếu hiểu biết, hoặc vì lợi nhuận nên đang từ từ làm hại cộng đồng như một thói quen. Thật đau xót làm sao khi vạt rau gia đình họ ăn thì không bón thuốc, nông sản đưa đi tiêu thụ trên thị trường thì thoải mái sử dụng chất cấm nguy hại không một chút áy náy. Đại biểu Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu Đoàn TP.HCM) lên tiếng: “Tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”. Đi tìm mô hình thực phẩm, rau quả sạch chưa bao giờ khó đến thế vì sự nhập nhèm đánh lận con đen, người dân dù có tri thức, hiểu biết tới đâu cũng không thể phân biệt được.
 
Câu hỏi của đại biểu Quốc hội nóng bao nhiêu, câu trả lời của các Bộ trưởng khiến người dân chưa hài lòng bấy nhiêu. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đã có vô vàn biện pháp nhưng chủ yếu mới ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn. Cũng có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững. Gần đây, lại có một số việc xấu đi như tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi… Điều làm người dân băn khoăn hơn cả khi theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính của tình trạng này không phải do thiếu quyết tâm, mà ngược lại, chỉ đạo rất quyết liệt. Cơ sở pháp lý đến giờ này cũng khá đầy đủ nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được hệ thống sản xuất với hàng chục triệu hộ, mạng lưới bán lẻ hơn 30.000 cửa hàng… Rồi lại là những bất cập về bộ máy và nguồn lực; rồi thiếu kinh phí… Nói tóm lại là những bất cập kinh niên mà hết năm này qua năm khác chưa cải thiện được. Trong một loạt biện pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý, mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và phải hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được đâu là an toàn. Để làm được điều đó chúng ta cần phải có những chính sách mạnh hơn, Bộ sẽ sớm đề xuất những chính sách như vậy. 
 
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những việc cần thiết đều đã làm, thậm chí khắc phục chồng chéo giữa các Bộ để có một cách làm phù hợp nhất. Nhưng cho dù vậy, theo Phó Thủ tướng, chỉ khi nào có sự phối hợp giữa việc quản lý bằng pháp luật và công tác tuyên truyền vận động người sản xuất, cung cấp dịch vụ ăn uống tới tầm nâng cao, nhận thức, trách nhiệm xã hội với cộng đồng mới thành công. Do đó, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm không chỉ của 4 Bộ (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ), mà còn phải quy định cả trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông… Cùng với đó là vai trò của MTTQ và các Hiệp hội, các đoàn thể… Hy vọng rằng, trong kỳ họp Quốc hội tới, sẽ có những lời giải, những kết quả rõ ràng hơn, ít nhất là mang lại một phần sự yên tâm cho người dân khi sử dụng thực phẩm hàng ngày.
 
BBT