Xây dựng văn hóa trong Đảng là góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

08:12, 24/12/2015

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20-28/1/2016. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc phát triển mới trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho Đảng, trong đó rất nhiều ý kiến cho rằng, muốn lãnh đạo được đất nước vượt qua nhiều khó khăn...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20-28/1/2016. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc phát triển mới trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Đã có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho Đảng, trong đó rất nhiều ý kiến cho rằng, muốn lãnh đạo được đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới có những biến động phức tạp như hiện nay thì điều trước tiên phải xây dựng văn hóa trong Đảng, mà mục đích chính là xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Điều này hoàn toàn đúng. Vậy thì xây dựng văn hóa trong Đảng là như thế nào?
 
Khi nói đến công tác xây dựng Đảng, chúng ta thường nói xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức chứ ít khi quan tâm đến xây dựng Đảng về văn hóa. Thực ra, quan điểm xây dựng Đảng về văn hóa được Đảng ta đề cập từ khá sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” nghĩa là một biểu tượng cao về văn hóa của dân tộc và nhân loại, và xét cho cùng thì đạo đức, văn minh chính là văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các tổ chức Nhà nước. Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) cũng nói rất rõ về xây dựng văn hóa trong Đảng và Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nêu quan điểm cũng như nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
 
Xây dựng văn hóa trong chính trị, trước tiên phải quan tâm đến xây dựng văn hóa trong Đảng và vấn đề này có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết, trước hết và cốt lõi là vai trò tiên phong của mỗi đảng viên. Bởi tính tiên phong là tính chất nhất thiết phải có ở một đảng cộng sản, nhất là khi đảng đó là đảng cầm quyền. Vai trò tiên phong của Đảng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức, giác ngộ, hiểu biết sâu sắc về lý luận, thực tiễn, tổ chức lực lượng quần chúng đông đảo, đưa họ vào con đường đấu tranh giải phóng con người, đến tiên phong trong hoạt động chính trị, lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng, bảo vệ môi trường thiên nhiên và tất nhiên không thể thiếu vai trò tiên phong trong lĩnh vực văn hóa. Để góp phần xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh cốt lõi, trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với tư cách là lực lượng tiên phong, tổ chức lãnh đạo xã hội thì toàn Đảng, mỗi một đảng viên phải thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. 
 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gây tổn hại lớn đến thanh danh và uy tín của Đảng và suy cho cùng đó chính là sự suy thoái về văn hóa trong Đảng. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa trong Đảng không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về phương diện văn hóa, mà còn có ý nghĩa cấp thiết về chính trị và xã hội.
 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa. Nhiệm vụ đó tập trung tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực của cán bộ, đảng viên. Sự giáo dục này có thể thông qua nhiều hình thức, biện pháp như thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng quan tâm hơn vào giáo dục phẩm chất đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. Thực hiện chủ trương của Đảng là hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây thực chất là yếu tố cơ bản nhất để Đảng cầm quyền theo hiến pháp, pháp luật, đồng thời làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo có được “văn hóa trách nhiệm” để làm tròn bổn phận của mình với tư cách là những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 
 
Văn hóa trong Đảng mang đặc thù riêng, nhưng là bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc thì mới có điều kiện xây dựng văn hóa trong Đảng một cách vững chắc và xây dựng văn hóa trong Đảng cần phải phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh” thì mới tạo được lòng tin trong nhân dân, thu hút được sức mạnh to lớn, đồng thuận của nhân dân để lãnh đạo cách mạng đạt được những thành quả trong giai đoạn hiện nay.
 
Trần Trung Hiếu