Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời: Dấu mốc lịch sử quan trọng của các nước Đông Nam Á

09:01, 01/01/2016

(LĐ online) - Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình...

(LĐ online) - Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Sư kiện này không chỉ là sự quan tâm của các nước trong khối, mà còn thu hút mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
 
Quá trình hình thành
 
Tháng 12/1997, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”. Để triển khai Tầm nhìn 2020, tháng 12/1998 tại Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 đã thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) cho giai đoạn 1999-2004; trong đó đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại. Do cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998, nên hợp tác ASEAN giai đoạn này chủ yếu tập trung vào khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng như khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với các nước thành viên.
 
Tháng 10/2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực. Để triển khai và kế tục Chương trình Hành động Hà Nội, ASEAN đã đề ra Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP) cho giai đoạn 2004-2010 và các Kế hoạch hành động để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng, trong đó có Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với các kế hoạch hành động và các dự án cụ thể.
 
Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua, nhất là kết quả thực hiện Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP), tháng 1/2007 lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương SEAN, nhất trí hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sớm hơn 5 năm so với  thỏa thuận trước đây (2020). Với cột mốc này, ASEAN đã khẩn trương xúc tiến xây dựng các Kế hoạch tổng thể (Blueprints) để xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC), trong đó đề ra mục tiêu và thời hạn hoàn thành đối với từng biện pháp, hoạt động cụ thể.
 
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-13 (tháng 11/2007), lãnh đạo các nước đã ký Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực ngày 15/12/2008.
 
Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 (tháng 2/2009) đã thông qua Tuyên bố về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn 2 (2008-2015). Đây là một văn kiện quan trọng như một chương trình hành động tổng thể cho giai đoạn tiếp theo để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế tục Chương trình Hành động Viên Chăn.
 
Nội dung chính của Cộng đồng ASEAN
 
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
 
Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
 
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Kế hoạch hành động xây dựng APSC được thông qua tại Cấp cao ASEAN-10, tháng 11/2004, đã khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và đề ra 6 lĩnh vực (thành tố) hợp tác chính. Kế hoạch tổng thể về APSC mà ASEAN đang soạn thảo sẽ tập trung vào khía cạnh này, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác về chính trị - an ninh.
 
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài. Để đẩy mạnh các nỗ lực hình thành Cộng đồng Kinh tế (AEC), ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng trụ cột này, là một bộ phận trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua tại HNCC ASEAN-14 (tháng 2/2009), với các quy định chi tiết về định nghĩa, quy mô, cơ chế và lộ trình thực hiện AEC. 
 
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. Chương trình hành động Viên Chăn (VAP) và Kế hoạch hành động ASCC đã xác định 4 lĩnh vực hợp tác (thành tố) chính là: Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; Phát triển môi trường bền vững; Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN. Hàng loạt biện pháp, hoạt động cụ thể đã được đề ra trong từng lĩnh vực hợp tác này. 
 
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và có đóng góp tích cực vào công việc của ASEAN, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998), đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia làm thành viên của ASEAN, phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng. Việt Nam cũng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, đưa hợp tác ASEAN theo hướng hành động và thực chất hơn, tạo đà mạnh mẽ cho Hiệp hội hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các tổ chức hữu nghị, nhân dân của Việt Nam đã có những hoạt động phong phú ở trong nước và tại các cơ chế nhân dân của ASEAN.
                                                                                            
 BAN BIÊN TẬP