Tư tưởng Hồ Chí Minh về "Nói đi đôi với làm"

09:01, 05/01/2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem "Nói đi đôi với làm" là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Ở Người: lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Nói để mà làm và bản thân Người là một tấm gương sáng về lời nói đi đôi với việc làm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem “Nói đi đôi với làm” là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Ở Người: lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Nói để mà làm và bản thân Người là một tấm gương sáng về lời nói đi đôi với việc làm.
 
Nói đi đôi với làm là một đòi hỏi, yêu cầu của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Lời nói thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm trong mỗi con người. Việc làm là thể hiện hành vi đạo đức cụ thể của mỗi con người. Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác.
 
Nói đi đôi với làm đối lập với thói đạo đức giả, nói một đàng làm một nẻo, hoặc nói mà không làm... Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện đạo đức giả ở một số cán bộ, đảng viên: “Vác mặt làm quan cách mạng”; “nói mà không làm”; “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ”; “miệng thì nói: “Phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”... Người khẳng định: “Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu” và Người giải thích thêm: “Trong kháng chiến, nếu có cán bộ chỉ huy du kích miệng hô “tiến lên” mà bản thân mình thì thụt lùi, thì các chú thấy thế nào? Làm sao mà anh em tiến lên được”.
 
Thống nhất giữa lời nói và việc làm là một nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh. Người là tấm gương thể hiện rõ nét sự thống nhất giữa lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để làm, dù là việc lớn hay việc nhỏ. Đây chính là sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Kêu gọi đồng bào sẻ cơm, nhường áo, Người nói: “tôi xin thực hành trước” và chính Người thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Phát động phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong toàn quốc (1952), Bác cũng nhiệt tình tham gia và Người đã đại diện cho Văn phòng Chủ tịch thi đua tăng gia trồng rau với Văn phòng Trung ương. Người kêu gọi nhân dân thực hiện “Tết trồng cây”, từ khi phát động (11/1959) cho đến tết cuối cùng trước khi Người về với cõi vĩnh hằng, Người tham gia đều đặn 10 Tết trồng cây, không thiếu lần nào. Người kêu gọi nhân dân chống hạn, úng thì chính Người trực tiếp tham gia cùng nhân dân tát nước chống hạn ở Hà Đông và chống lụt ở Hải Dương... 
 
Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải lấy hiệu quả công việc để đo ý chí cách mạng, không phải dựa vào lời nói. Người viết: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương, hình thức, thói làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.
 
Do đó, người cán bộ, đảng viên phải miệng nói, tay làm, tiên phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính thì Người là tấm gương sáng với cuộc sống giản dị, thanh bạch với ngôi nhà sàn đơn sơ, bộ quần áo kaki sờn màu, đôi dép cao su... Người không nhận bất kỳ đặc cách nào về đời sống thường nhật của vị Chủ tịch nước, mà chỉ như những người lính vâng lệnh quốc dân làm việc nước. Người không bao giờ đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc. Chính vì vậy, Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...
 
Nói đi đôi với làm là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin - nói và làm cho nhất quán. Với quan niệm đó, trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương thực hành đạo đức của bản thân Người...
 
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy của Người về “Nói đi đôi với làm”, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải nêu cao đạo đức cách mạng, tăng cường phòng, chống và khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm phải trở thành phương châm hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu. Để giữ vững và phát huy vai trò của mình, người cán bộ, đảng viên trước hết phải đầu tàu, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Vì, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Quần chúng nhân dân không chỉ nghe vào những gì cán bộ, đảng viên nói, mà quan trọng nhất họ nhìn vào thực tế những gì cán bộ, đảng viên đã và đang làm hằng ngày, nhất là sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống và hiệu quả công việc của họ. Mỗi cán bộ, đảng viên nhất quán được giữa lời nói và hành động chắc chắn sẽ góp phần khắc phục tình trạng “…một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” (Nghị quyết số 12-NQ/TW (khóa XI) về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay).
 
HỒNG VĨNH