(LĐ online) - Trong 2 ngày 7/1 – 8/1/2016, tại Đà Lạt, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 24 - Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2016; đồng thời tiến hành thẩm tra Dự thảo nghị quyết quy định chi tiết về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tham dự và chỉ đạo.
(LĐ online) - Trong 2 ngày 7/1 – 8/1/2016, tại Đà Lạt, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 24 - Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2016; đồng thời tiến hành thẩm tra Dự thảo nghị quyết quy định chi tiết về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tham dự và chỉ đạo.
|
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Pháp luật – Quốc hội khóa XIII |
Một trong những điểm nổi bật của Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong khóa 13 đó là đã thực hiện đồng bộ trên các mặt công tác như: Phục vụ xây dựng triển khai thi hành hiến pháp; xây dựng pháp luật; thẩm tra; chủ trì chỉnh lý; tham gia thẩm tra; hoàn thiện các dự án luật; pháp lệnh; dự thảo nghị quyết; giám sát, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo và các hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế. Về cơ bản các lĩnh vực trên được triển khai phù hợp; hợp lý; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Bên cạnh đó thể hiện được tính khách quan; trung thực hướng về cơ sở; lấy người dân làm chủ thể chính trong công tác xây dựng; thẩm tra; góp ý các dự thảo luật; pháp lệnh.
Đặc biệt nhiệm kì qua, Ủy ban pháp luật Quốc hội đã chủ trì thẩm tra 26 dự án luật, Bộ luật, 2 dự án pháp lệnh và nhiều dự thảo nghị quyết; trong số đó nhiều dự án, pháp lệnh có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp và nhạy cảm.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác xử lý đơn thư với việc tiếp nhận, phân loại xử lý trên 14.000 đơn thư khiếu nại tố cáo của các tổ chức cá nhân để giải quyết cũng như gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban pháp luật Quốc hội đề xuất cần phải thể hiện được tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp, định hướng chính sách trong mỗi dự án luật phải rõ ràng ngay từ khâu đề xuất, xây dựng. Riêng chương trình giám sát cần được phối hợp chặt chẽ, huy động nhiều thành viên của Ủy ban tham gia, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên để phục vụ tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Ngày làm việc thứ hai 8/1, các thành viên của Ủy ban pháp luật đã thảo luận, thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định chi tiết về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này được QH khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã quy định nhiều nội dung mới so với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, trong đó có các nội dung mới về phân loại đơn vị hành chính; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thành lập Ban dân tộc của HĐND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Mục tiêu nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, tiêu chuẩn thành lập Ban Dân tộc của HĐND tỉnh, huyện, thị xã nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở các địa bàn có đông đồng bào DTTS.
Nguyệt Thu