Nhớ lời Bác: Đảng ta là đạo đức, là văn minh

10:02, 15/02/2016

Năm nay, Đại hội lần thứ XII của Đảng được tiến hành vào thời điểm sát với kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta lại càng cảm nhận được ý thơ sâu xa của Bác. Cả đoạn thơ là lời khen, là lời dạy; là sự đánh giá rất trân trọng lịch sử và sự nghiệp cao cả của Đảng; là lời động viên và yêu cầu toàn Đảng tiếp tục phát huy xứng đáng hơn nữa truyền thống của mình.

Cứ đến dịp mừng Đảng, mừng Xuân, chúng ta thường nhớ mấy câu thơ của Bác Hồ ở phần kết bài nói tại lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (Nói tối 5/1/1960), trong đó Bác viết:
 
Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no
 
Năm nay, Đại hội lần thứ XII của Đảng được tiến hành vào thời điểm sát với kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta lại càng cảm nhận được ý thơ sâu xa của Bác. Cả đoạn thơ là lời khen, là lời dạy; là sự đánh giá rất trân trọng lịch sử và sự nghiệp cao cả của Đảng; là lời động viên và yêu cầu toàn Đảng tiếp tục phát huy xứng đáng hơn nữa truyền thống của mình.
 
Trong hai câu thơ nói trên của Người, theo cách hiểu của tôi: “thống nhất, độc lập, hòa bình ấm no” là mục tiêu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nhưng muốn làm được thế thì Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Bác nói, mục tiêu đó vẫn còn nguyên giá trị.
 
Quả thực, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Bác Hồ trong sự nghiệp cách mạng. Bác là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Người không để lại những tác phẩm đạo đức lớn, nhưng những tư tưởng lớn của Người về đạo đức được thể hiện trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, hàm súc theo phong cách phương Đông, rất gần gũi với con người Việt Nam. Bản thân Người lại thực hiện trước nhất và nhiều nhất những tư tưởng ấy và còn hơn cả những điều Người đã nói, đã viết. Người là tấm gương đạo đức trong sáng nhất, tiêu biểu nhất đã được nhân dân trong nước và thế giới thừa nhận. Bác nói Đảng ta là đạo đức. Đạo đức kết tinh ở đây mang tính cách mạng và nhân văn, là những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc được người đảng viên tiếp thu và thể hiện ở trình độ tự giác, làm gương mẫu cho nhân dân. Ngay khi huấn luyện cho lớp cán bộ trẻ chuẩn bị thành lập Đảng, Người đã giảng về “tư cách người cách mạng” để đảng viên và Đảng rèn luyện đủ bản lĩnh, năng lực và tín nhiệm lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người lại càng quan tâm đến giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên của một Đảng cầm quyền. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, do đó, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
 
Hơn tám thập kỷ qua, lịch sử của Đảng luôn song hành cùng lịch sử của dân tộc. Năm 1945, mới 15 tuổi, chỉ có 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước vùng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó, lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến 30 năm, trải qua nhiều hy sinh gian khổ để giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, được nhân dân tin cậy, bạn bè tin yêu, kính nể. Trong các cuộc kháng chiến oanh liệt đầy gian khổ đó, uy tín của Đảng ngày càng cao, nhiều cán bộ, đảng viên có sự cống hiến lớn lao với đất nước. Ngay trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo cũng đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân thừa nhận và bạn bè gần xa ca ngợi. Trong lúc nói đến thành tựu đạt được do Đảng lãnh đạo, chúng ta càng thấm thía lời cảnh báo sớm của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Người còn nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.
 
Trong không khí háo hức đón chào Xuân mới Bính Thân 2016, chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra đầu xuân này và Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, nhắc lại những lời dự đoán sáng suốt, những lời căn dặn chân tình và nghiêm khắc của Người, trước hết để tự xem xét lại mình trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để cùng toàn Đảng thực hiện lời mong muốn của Người: “Đảng ta là đạo đức…”. Theo Bác, tiêu chuẩn đầu tiên của người đảng viên và cán bộ cách mạng là phải có đạo đức. Đó là tinh thần yêu Tổ quốc, kính trọng nhân dân, thắng chủ nghĩa cá nhân, hết lòng phụng sự đất nước, quê hương, chân thành sửa lỗi mình, chân thành giúp đỡ đồng chí. Đó là ý thức biết kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đó là điều Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phấn đấu, vì có tài mà không có đức là không được mọi người quý trọng, cán bộ không có đức thì không lãnh đạo được nhân dân.
 
Như đã trình bày ở trên, cùng với lời dặn về đạo đức, Bác Hồ còn yêu cầu mong muốn “Đảng là văn minh”. Văn minh, theo từ điển Tiếng Việt là đặc trưng của nền văn hóa cao. Do đó, Bác Hồ yêu cầu và mong muốn Đảng ta phải nâng tầm lên, trước hết là tầm hiểu biết, tầm đối xử với con người, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội, ra sức học tập để nâng cao tầm trí tuệ ngang tầm thời đại, góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Văn minh phản ánh trí tuệ, nhận thức của Đảng và người đảng viên mang tính tiên phong nắm vững khoa học chính trị Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biến thành quan điểm, đường lối đổi mới, thành tư tưởng và văn hóa mỗi đảng viên của Đảng. Đó là văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa Đảng.
 
Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đó không chỉ là kết tinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc mà còn là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và thời đại. Đó là tầm ứng xử: Khoan hòa, nhân ái, sống có tình, có nghĩa theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mới có thể tập hợp được toàn dân trở thành sức mạnh vô địch trong cuộc chiến đấu cam go mới, mà trong Di chúc Người nhắc nhở “Thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều so với thắng đế quốc, phong kiến”. Nhờ vậy, Đảng ta có uy tín về chính trị, tư tưởng và văn hóa, giữ được vai trò lãnh đạo, động viên được nhân dân đứng lên làm cách mạng.
 
Mục tiêu của Đảng và cách mạng Việt Nam thể hiện trong thơ Bác: Là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no. Đó là hạnh phúc của toàn dân ta khắp mọi miền đất nước, được sum họp một nhà, được sống trong hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, văn minh.
 
Nhớ lời Bác, người đảng viên hiện nay đoàn kết phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng trong sáng, giữ gìn lối sống lành mạnh, gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, không ngừng nâng cao hiểu biết để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Nhớ lời Bác, toàn Đảng quyết tâm xây dựng văn hóa Đảng, thực sự tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu trí tuệ, văn hóa mới của thời đại, tiếp tục hoàn chỉnh đường lối, đưa sự nghiệp đổi mới phát triển bền vững.
 
Khuất Minh Phương