Phòng, chống tham nhũng đạt kết quả, nhưng chưa triệt để

08:03, 01/03/2016

Phòng, chống tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và được xem là "cuộc chiến" đầy cam go, thử thách, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của đất nước. Vì vậy, từ chỗ chỉ là pháp lệnh, Nhà nước đã sửa đổi thành Luật Phòng, chống tham nhũng và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội.

Phòng, chống tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và được xem là “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của đất nước. Vì vậy, từ chỗ chỉ là pháp lệnh, Nhà nước đã sửa đổi thành Luật Phòng, chống tham nhũng và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội. Song, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa lớn, chưa triệt để, khiến các mối quan hệ xã hội chưa thật sự minh bạch, lành mạnh. 
 
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác PCTN
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh
cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác PCTN

Cũng như ở nhiều địa phương khác, khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) có hiệu lực từ ngày 1/6/2006, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Việc thực hiện Luật PCTN được các cơ quan thông tin, đại chúng địa phương tuyên truyền rộng rãi, được tổ chức học tập, quán triệt trong mọi cấp, mọi ngành và có sự kết hợp với việc thực hiện các Luật Thanh tra, Khiếu nại, tố cáo, Luật tiếp công dân, nên có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, sau khi thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, tỉnh thành lập BCĐ PCTN và tiếp tục giao Thanh tra tỉnh trực tiếp làm công tác PCTN (Thanh tra tỉnh đã thành lập Phòng Thanh tra PCTN), đồng thời xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN, nên đã có tính răn đe, khuyến khích mọi công dân trong việc tích cực tham gia PCTN. Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tiếp nhận, xác minh và chi thưởng 500.000 đồng, đến 10 triệu đồng đối với tin báo về tham nhũng. Đồng thời, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch, văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN trong việc kê khai, kiểm soát tài sản của CBCCVC, nhất là đối với các chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Cùng với đó, quy định có tính bắt buộc đối với một số lĩnh vực có tính ‘nhạy cảm” dễ phát sinh tham nhũng như: Cải cách thủ tục hành chính; tuyển dụng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ; công khai minh bạch QLNN trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, địa chất, môi trường, mua sắm tài sản công, khoán quỹ lương, quyền tự chủ về tài chính, biên chế, định mức tiêu chuẩn về tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, việc tặng quà, nhận quà, trả lại quà tặng… và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương khi để xảy ra tham nhũng. Bằng việc thực hiện nghiêm ngặt những quy định đó, đã phần nào hạn chế được kẽ hở dẫn đến tham nhũng và đã nâng cao ý thức tự giác của CBCCVC trong thực hành PCTN. Qua kiểm tra, giám sát, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước để mua quà tặng, quà biếu trái pháp luật và đã có 9 trường hợp nộp lại quà tặng, trị giá 33,8 triệu đồng. Cũng qua công tác PCTN, trong thời gian 10 năm, toàn tỉnh đã phát hiện, khởi tố 67 vụ tham nhũng, với 111 bị can và đã truy tố, xét xử, buộc phải hoàn trả số tiền tham nhũng 28 tỷ đồng. 
 
Kết quả này, tuy còn khiêm tốn, nhưng kết quả đạt được lớn hơn là đã tạo được hành lang pháp lý để mọi người trong xã hội yên tâm, vững tin khi tham gia phát hiện, tố giác tham nhũng, làm cho mọi người thấy được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ là phải tích cực tham gia PCTN.
 
Như vậy, qua 10 năm thực hiện Luật PCTN trên địa bàn Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Những kết quả đạt được đó còn chưa phản ánh đúng thực tế tại địa phương, bởi số lượng các vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý còn quá khiêm tốn, đã thế, tài sản thu hồi sau xử lý tham nhũng chiếm tỷ lệ quá nhỏ (4,4 tỷ đồng/28 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,7%) và chỉ có những vụ tham nhũng “cò con” mới bị phát hiện, xử lý; nhiều biểu hiện tham nhũng có quy mô lớn, nhưng chưa bị phát hiện, xử lý, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Sở dĩ có thực trạng đó, bởi một số cấp ủy, một số ngành, một số cán bộ chưa xem PCTN là nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác PCTN còn mang tính hình thức, thiếu kiên quyết, triệt để. Mặt khác, phần lớn tham nhũng chỉ xảy ra chủ yếu ở các cơ quan, ngành, các cán bộ có chức trách, quyền hạn lớn, nên tâm lý chung của xã hội là ngại đấu tranh vạch mặt, bởi sợ bị trả thù, trả đũa. Mặt khác, cơ chế, chính sách trong PCTN vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khiến công tác PCTN thiếu hiệu quả, chẳng hạn như việc kê khai tài sản còn tiến hành tràn lan đối với mọi CBCCVC, chưa chú trọng đối với những đối tượng có điều kiện tham nhũng và khi xử lý tham nhũng thì chưa có chế tài đủ mạnh để thu hồi tài sản bị tham nhũng…
 
Trước thực trạng đó, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt 5 nội dung sau để đẩy mạnh công tác PCTN, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi, đối tượng tham nhũng và kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin về tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những lĩnh vực “nhạy cảm” và có cơ chế khuyến khích mọi công dân trong việc phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng.
 
Hoàng Đại Huynh