Tiếp tục tăng cường công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội

08:03, 03/03/2016

Qua 2 năm thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; theo Ban Dân vận Tỉnh ủy: công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã được nâng cao chất lượng, hiệu quả. 

Qua 2 năm thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; theo Ban Dân vận Tỉnh ủy: công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã được nâng cao chất lượng, hiệu quả. 
 
Cùng với các hoạt động giám sát được thực hiện hàng năm như: giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát đầu tư cộng đồng, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước…, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Theo đó, năm 2014-2015, MTTQVN tỉnh chủ trì giám sát 4 chuyên đề: “Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công thông qua Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”, “Giám sát thực hiện khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố”, “Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo theo chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đến năm 2015”, “Giám sát thực hiện một số Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp lý của UBND tỉnh đối với UBND huyện, thành phố”. Ngoài ra, MTTQVN tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành liên quan tiến hành 32 cuộc giám sát trên các lĩnh vực: đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác quản lý bảo vệ rừng, các chương trình mục tiêu quốc gia… Ở cấp huyện và cơ sở, MTTQ và các đoàn thể địa phương giám sát định kỳ việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp HĐND các cấp. Đồng thời, báo cáo tại mỗi kỳ họp HĐND cùng cấp về tình hình, ý kiến nhân dân về kết quả phát triển KT-XH; ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Tùy tình hình thực tế, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch giám sát theo các nội dung của Mặt trận và đoàn thể cấp trên chỉ đạo triển khai hoặc các nội dung theo chương trình, dự án, kế hoạch ở địa phương. Một số nội dung giám sát nổi bật, thực hiện có hiệu quả tại một số địa phương như: giám sát việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy Đà Lạt về xây dựng thành phố văn minh, thân thiện; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; chế độ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc huyện Bảo Lâm; xây dựng phường phát triển toàn diện, việc triển khai thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ tại TP. Bảo Lộc; giám sát các nguồn vốn do nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện Đạ Huoai; giám sát thực hiện Chỉ thị 38 của Huyện ủy Đơn Dương về cảnh quan môi trường, vệ sinh công cộng trên địa bàn huyện; việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Lâm Hà… Công tác giám sát thực hiện thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và qua 2 năm đã tiến hành giám sát 567 sự việc. Phương pháp giám sát thể hiện rõ tính nhân dân thông qua cách thức tổ chức làm việc; nắm bắt thông tin, đối thoại trực tiếp và tiếp nhận các nguồn thông tin khác làm cơ sở giám sát. Kết luận giám sát ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị có nêu rõ ưu, khuyết điểm và các nội dung khác liên quan đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chính quyền; kiến nghị xem xét. Đối với cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức có phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân đều được MTTQ và các đoàn thể tiếp thu, khảo sát thực tế hoặc trao đổi làm rõ để có kiến nghị với cơ quan trực tiếp, cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết… Qua việc giám sát, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; thể hiện rõ trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Kiến nghị với cấp ủy, chính quyền những khuyết điểm, thiếu sót cần khắc phục. Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện đúng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. 
 
 Những kết quả ban đầu của việc thực hiện quy chế, quy định góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, giải quyết một phần những vấn đề nổi cộm trong nhân dân, thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, với tinh thần của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”, trước và sau sự kiện chính trị trọng đại của đất nước là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021), nội dung và phương thức hoạt động giám sát của MTTQ và đoàn thể cần tiếp tục được thực hiện với nhiều hình thức phong phú và đổi mới; kịp thời nắm chắc diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội, những vấn đề phức tạp, nổi cộm để có hướng giải quyết ngay từ cơ sở. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm trong công tác giám sát. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện có kết quả phù hợp chức năng, nhiệm vụ, kịp thời bổ sung nội dung giám sát. Đồng thời phối hợp, tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức đối thoại theo định kỳ, hàng năm giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức lấy ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.                                      
 
BBT