Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ

09:03, 07/03/2016

Trên con đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc thân phận của những người dân bị áp bức, bóc lột; trong đó Người đặc biệt hết sức chia sẻ với thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là ở những nơi còn chịu ảnh hưởng tàn dư chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và đó chính là nỗi đau trăn trở đối với Bác. 

Trên con đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc thân phận của những người dân bị áp bức, bóc lột; trong đó Người đặc biệt hết sức chia sẻ với thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là ở những nơi còn chịu ảnh hưởng tàn dư chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và đó chính là nỗi đau trăn trở đối với Bác. Vì vậy, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài nói và viết có liên quan đến phụ nữ; qua đó thể hiện một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống tư tưởng của Bác về phụ nữ. Trong bài viết này, chỉ đề cập một số nội dung chủ yếu, đó là:
 
Thứ nhất, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Người nói: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”. Và Người đã lấy dẫn chứng một cách sinh động về phụ nữ trong cách mệnh Pháp, cách mệnh Nga, rồi phụ nữ Phương Đông để đi đến khẳng định “Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước” (HCM: Toàn tập, t.2, tr.288).
 
Đối với phụ nữ Việt Nam, Người nêu gương chiến đấu của bà Trưng, bà Triệu và kêu gọi: “Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”.      
 
Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.
 
Thứ hai, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ giải phóng phụ nữ và đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng phụ nữ, một “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. Từ quan điểm, tư tưởng của Các Mác và V.I.Lênin, Bác đã khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi” (HCM toàn tập, t.2, tr.112, tr.443, tr.288, tr.974).  
 
Sở dĩ Bác coi trọng nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, bởi: Trong xã hội cũ, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất. Hơn nữa, phụ nữ vừa là lực lượng quan trọng, to lớn của cách mạng; đồng thời phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của gia đình. 
 
Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là giải phóng về chính trị, giải phóng về xã hội và giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới,… Theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”; “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa” (HCM: Toàn tập, t.9, tr.523). Vậy nên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc, với xây dựng CNXH.  
 
Thứ ba, Hồ Chí Minh là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: Công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới, phải thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đồng thời, Bác nhấn mạnh: “Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa” (HCM: Toàn tập, t.12, tr.197). 
 
Thứ tư, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chị em phụ nữ phải nhận rõ địa vị và nhiệm vụ của người làm chủ nước nhà, phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới… Người cũng thẳng thắn chỉ ra: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”. Do vậy, theo Bác, ngoài sự quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng thường xuyên của Đảng và Chính phủ, điều quan trọng là phụ nữ “phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau…”; “phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH” (HCM: toàn tập, t.10, tr.184-185). Có như vậy, phụ nữ mới khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong xã hội và trong gia đình; mới chứng minh bằng thực tiễn “cho người ta thấy phụ nữ giỏi” cả việc nước lẫn việc nhà. 
 
Thứ năm, Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể cần có kế hoạch thiết thực trong việc giúp đỡ phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các hoạt động, phấn đấu vươn lên trên tất cả các mặt. Người nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa. Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến những phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ các dân tộc thiểu số và nhắc nhở đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc… 
 
Thực hiện tư tưởng của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội; tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Phong trào phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chị em phụ nữ đã phát huy năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng; số cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng và giữ các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở ngày càng tăng.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy đảng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thực sự coi cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, cầu toàn, nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, nạn bạo hành trong gia đình, sự phân biệt đối xử mà nạn nhân là phụ nữ vẫn còn diễn ra; tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn mại dâm… đang gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng đến chính sách bình đẳng giới. 
 
Chính vì thế, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ cần được tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cả về nhận thức và hành động trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình. Đồng thời, bản thân chị em phụ nữ phải luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
 VĂN NHÂN