Chỉ hơn 24% lao động cả nước tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

05:03, 02/03/2016

(LĐ online) - Ngày 2/3, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 14. Đây là phiên họp áp chót của Ủy ban nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới. Phiên họp do Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì.

(LĐ online) - Ngày 2/3, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 14. Đây là phiên họp áp chót của Ủy ban nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới. Phiên họp do Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì.
 
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội thời gian qua để Ủy ban thẩm tra. Theo đó, nhiều vấn đề đặt ra trong báo cáo là việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có nhiều chính sách mới, một số văn bản còn chưa đáp ứng được tiến độ; Tình trạng trốn, nợ tiền bảo hiểm xã hội có giảm so với năm 2014 nhưng vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp; Tình trạng lạm dụng để trục lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn.
 
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tính đến ngày 31/12/2015, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc lên tới 5.692 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm 60% tổng số nợ. Tổng số nợ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc là 315 tỷ đồng. 
 
Kiến nghị các giải pháp trong thời gian tới đối với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu: Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.
 
Đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ tới của Quốc hội dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động để giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực tiễn thực hiện thời gian qua; trong đó có quy định liên quan đến tiền lương, làm cơ sở cho việc thực hiện quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc…
 
Trong khi đó, tại dự thảo Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2015, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu rõ, tính đến 31/12/2015, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ là 12.290.381 người; trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.065.378 người chỉ bằng 24,44% tổng số lực lượng lao động; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 225.003 người, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng số người thuộc diện tham gia.
 
Bên cạnh đó, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng ghi nhận công tác xây dựng và ban hành văn bản pháp luật trong năm 2015 vẫn chưa đảm bảo tiến độ. Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, nhưng đến nay văn bản hướng dẫn còn chậm, nhiều bộ ngành còn chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Cụ thể, hiện tại vẫn còn 3 Nghị định, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư chưa ban hành.
 
Tại phiên họp, các thành viên ủy ban cũng nêu vấn đề để đạt chỉ tiêu 50% người lao động được tham gia Bảo hiểm xã hội tới năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị là vấn đề khó thực hiện. Điều này cũng sẽ phần nào cản trở khả năng hội nhập của nước ta với thị trường lao động thế giới. Tại nhiều địa phương, việc giám sát, quán triệt thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp gặp khó khăn khi doanh nghiệp thiếu hợp tác, cơ quan chức năng xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế của địa phương.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng ghi nhận vấn đề Quốc hội cần mở rộng phạm vi giám sát đối với việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội chứ không chỉ bó hẹp việc giám sát thực hiện quỹ như hiện nay… 
 
Phiên họp cũng đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015.
 
Ngày 3/3, phiên họp tiếp tục làm việc với chương trình nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dược (sửa đổi); Nghe báo cáo dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban các vấn đề xã hội giữa hai kỳ họp Quốc hội.
 
Phạm Kha