Đứng ở vai trò là đại diện của cử tri để chất vấn

09:04, 18/04/2016

Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình trước cử tri, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng tại các kỳ họp.

Trong suốt nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tổ chức 15 kỳ họp; 9 phiên chất vấn với 137 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn đối với giám đốc các sở, ngành chức năng của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình trước cử tri, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp.
 
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND luôn thu hút sự quan tâm của cử tri
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND luôn thu hút sự quan tâm của cử tri

Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh, bà Hoàng Thị Thu Hồng - nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho rằng: “Nhiệm kỳ qua, phần lớn các đại biểu HĐND đã thể hiện vai trò của người đại biểu nhân dân, là cầu nối giữa cử tri với các cơ quan chức năng. Các đại biểu đã lắng nghe ý kiến của nhân dân để có những kiến nghị trong kỳ họp. Thông qua các kỳ họp của HĐND, những chủ trương, chính sách lớn ảnh hưởng đến đời sống của người dân đều được đưa ra trên bàn nghị sự để bàn bạc. Các đại biểu đã đóng góp những kiến nghị xác đáng với tình hình thực tế. Trong những cuộc chất vấn của HĐND, các đại biểu đã thay mặt cử tri đưa ra những vấn đề bức xúc nổi cộm để yêu cầu cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời và đưa ra những biện pháp khắc phục”. 
 
Cũng tại các kỳ họp, đại biểu HĐND tập trung trí tuệ, đề cao vai trò, trách nhiệm trước cử tri, thảo luận, góp ý chất lượng cho dự thảo nghị quyết trước khi xin ý kiến biểu quyết thông qua tại các kỳ họp. Phát biểu tại kỳ họp thứ 15 - kỳ họp cuối của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã xem những ý kiến, kiến nghị của cử tri là sự đóng góp quý báu, thiết thực, thể hiện tâm huyết của cử tri đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh. Đối với các ý kiến cử tri quan tâm chưa được giải trình hoặc giải trình chưa đầy đủ, đồng chí đã yêu cầu tiếp tục giải trình và thông báo cụ thể đến với cử tri. 
 
Nhiệm kỳ qua, với 73 đại biểu, gồm 23 nữ, 9 dân tộc thiểu số, 8 ngoài đảng, 4 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi, 15 đại biểu tái cử, được xem có cơ cấu đại biểu hợp lý, trình độ khá đồng đều, phần lớn đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực. Các đại biểu đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm đối với cử tri trong việc tham gia các hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Trong suốt nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 31 cuộc giám sát chuyên đề và 19 đợt giám sát, khảo sát khác nhằm giải quyết các vụ, việc bức xúc của địa phương và của cử tri, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân theo đúng pháp luật. Công tác giám sát có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương để tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã đánh giá những kết quả đạt được, những khuyết điểm hạn chế, vướng mắc của các địa phương, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đó, nêu rõ trách nhiệm của nhân dân trong nhận thức và thực thi pháp luật, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, giúp cho UBND tỉnh nhận định, đánh giá khách quan về kết quả đạt được, bổ sung kịp thời biện pháp khắc phục hạn chế nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh.
 
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, hoạt động tiếp xúc cử tri đã về tận xã, thôn nên cử tri, có điều kiện bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn. Qua 17 cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND đã tiếp xúc với hơn 36 ngàn lượt cử tri, lắng nghe hơn 6 ngàn lượt ý kiến của người dân. Tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt khoảng 90%. Cũng theo bà Hoàng Thị Thu Hồng, chất lượng đại biểu hiện nay không đều; số đại biểu có năng lực, trình độ thì hạn chế thời gian bởi họ phải dành phần lớn thời gian cho nhiệm vụ chuyên môn. Ngược lại, một số đại biểu có thời gian dành cho hoạt động HĐND thì thiếu điều kiện để tiếp cận, nắm bắt thông tin và hiểu thêm về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi chất vấn, một số đại biểu do không nắm bắt được vấn đề đưa ra nên chất vấn chưa sâu, hoặc khi nêu lên câu hỏi và cảm thấy phần trả lời chưa thỏa đáng lắm nhưng vẫn không truy vấn đến cùng. Một số đại biểu hoạt động còn câu nệ, có đại biểu cả nhiệm kỳ có thể không tham gia hoạt động giám sát hay không chất vấn vấn đề nào (tỷ lệ đại biểu phát biểu ý kiến đạt trên 60%). Bên cạnh đó, tư tưởng ngại chất vấn vẫn còn nhiều. Chẳng hạn như chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện rất ngại chất vấn chủ tịch UBND tỉnh, các giám đốc sở. Các đại biểu phải hiểu rằng vấn đề giám sát, chất vấn không phải nhằm vào ai, vào tổ chức nào mà mục đích là làm sao để việc chấp hành các quy định của pháp luật ngày càng tiến bộ hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân. Việc truy đến cùng các câu hỏi trong chất vấn nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhất để nhân dân ngày càng tin hơn vào các đại biểu của mình, vào chính quyền và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. 
 
Các đại biểu HĐND khi hoạt động thì hãy đứng ở vai trò là đại diện của cử tri đã bầu mình lên để chất vấn. Công tác đại biểu HĐND hiệu quả hay không ngoài thực hiện những quy định của pháp luật thì phần lớn còn phụ thuộc vào chính cái tâm và tầm của người đại biểu HĐND.
 
N.THU - N.NGÀ