Tiết giảm bộ máy và trách nhiệm công vụ

08:04, 14/04/2016

Diễn đàn Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII rất sôi động với các phiên thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Rất nhiều ghi nhận, nhiều đánh giá về sự đổi mới, hiệu quả nhưng kèm theo đó những băn khoăn, lo lắng cũng được đại biểu Quốc hội chỉ rõ. 

Diễn đàn Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII rất sôi động với các phiên thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Rất nhiều ghi nhận, nhiều đánh giá về sự đổi mới, hiệu quả nhưng kèm theo đó những băn khoăn, lo lắng cũng được đại biểu Quốc hội chỉ rõ. Trong đó, việc làm sao để không phình bộ máy gắn với trách nhiệm công vụ được các đại biểu đề cập khá thẳng thắn.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ chế, thể chế hiện nay chằng chịt mối quan hệ, nên những vướng mắc, hạn chế trong nhiệm kỳ qua thể hiện trong báo cáo của Chính phủ có nhiều nguyên nhân và không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ. Ví dụ, bộ máy nhà nước và biên chế kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà phình ra. Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỷ đồng/năm, chi đủ hết gần 1 triệu tỷ đồng, bằng ngân sách thu một năm của đất nước, lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển. Vấn đề là chính Luật Tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Quốc hội ban hành sinh ra nhiều bộ máy. Ví dụ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp. Theo báo cáo hằng năm của các cơ quan bộ, ngành, địa phương chỉ có 1% số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi dư luận râm ran một phần ba số cán bộ làm việc không mấy hiệu quả, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Vì vậy, phải có giải pháp quyết liệt cắt giảm tổ chức bộ máy bằng luật pháp. 
 
Theo đại biểu, hiện vẫn nặng về đánh giá đạo đức chung chung, trong khi đối với công chức, cái nhìn thấy ngay chính là sản phẩm công vụ và phải nhìn nhận, đánh giá lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng, bởi vì họ mua, bán xong họ phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật thị trường. Đại biểu lấy làm tiếc vì trong Bộ luật Hình sự không có tội danh mua, bán chức quyền, mấy lần đại biểu đề nghị vẫn chưa được.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đánh giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều lãnh đạo các bộ, ngành có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm xây dựng một Chính phủ phục vụ, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, một Chính phủ đang chuyển mình lấy phục vụ nhân dân là chính. Nhiều thành tựu nổi bật của Quốc hội có đóng góp to lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ trưởng, trưởng ngành. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tới, phải tập trung rà soát, đánh giá, sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Chính phủ để trình Quốc hội quyết định. Cụ thể là cần mạnh mẽ sắp xếp lại và tinh giản bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định. Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định khác với việc cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức. Cần lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm. Có như vậy, việc tinh giản bộ máy mới đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ.
 
BBT