Chiều ngày 8/7, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức "Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 và đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016".
Chiều ngày 8/7, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 và đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016”.
|
Lãnh đạo tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối thoại với doanh nghiệp |
Tham dự có ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng hơn 100 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện các ngành trong tỉnh.
Theo kết quả công bố PCI năm 2015 do VCCI và cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Mỹ (USAIS) công bố, tỉnh Lâm Đồng đạt 59,04 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh thành, được xếp vào nhóm các địa phương có môi trường kinh doanh khá so với cả nước, đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên.
Với nhiều nỗ lực trong việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Lâm Đồng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu như năm 2014, PCI Lâm Đồng đạt 58,78 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với 2013 thì đến 2015, PCI Lâm Đồng đạt 59,04 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh thành, tăng 8 bậc so với 2014.
Kết quả khảo sát PCI tại Lâm Đồng trong năm 2015 đã ghi nhận những cải thiện rõ nét, nhiều chỉ số thành phần tăng đáng kể như: Chỉ số tiếp cận đất đai đạt 6,18 điểm (tăng 0,39 điểm), chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 6,45 điểm (tăng 0,02 điểm), chỉ số chi phí thời gian đạt 6,59 điểm (tăng 0,82 điểm), chỉ số tính tiên phong và năng động của lãnh đạo đạt 4,21 điểm (tăng 0,25 điểm).
Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn thuộc nhóm điều hành “Khá”, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, một số chỉ số thành phần PCI bị giảm điểm (chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số cạnh tranh bình đẳng). Chỉ số tính tiên phong và năng động của lãnh đạo tỉnh tuy chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng có vai trò quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh. Chỉ số này của tỉnh Lâm Đồng được xếp hạng thấp và ít được cải thiện, năm 2014 và 2015, chỉ số này xếp hạng 49/63 tỉnh thành, nguyên nhân chủ yếu do các sở, ngành chậm triển khai và tham mưu thực hiện các chính sách, chủ trương mới của trung ương và một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và các ngành có liên quan cũng đã đối thoại với các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp để ghi nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Trong những kiến nghị lần này, các doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề chính đó là: các cơ quan nhà nước cần sớm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ, có liên quan đến doanh nghiệp; các cơ quan cần sớm giải quyết đề xuất của doanh nghiệp (trong một số trường hợp còn giải quyết chậm). Đồng thời, UBND tỉnh cần có các biện pháp xử lý, kỷ luật các tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham mưu thực hiện chậm trễ các chính sách của nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp; giá thuê đất của một số doanh nghiệp tăng quá cao trong thời gian qua và còn tồn đọng một số trường hợp chưa được giải quyết...
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng đã đánh giá cao những nỗ lực tăng hạng đáng kể của Lâm Đồng. Với những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và sự nỗ lực không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, Lâm Đồng sẽ là điểm đến hàng đầu mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương tương xứng với thế mạnh.
DIỄM THƯƠNG