Đà Lạt "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố", hướng đến thành phố thông minh

08:07, 14/07/2016

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 5/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) "Về phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng tới thành phố văn minh, thân thiện", thời gian qua, Đà Lạt đã đạt một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho những năm tới.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 5/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) “Về phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng tới thành phố văn minh, thân thiện”, thời gian qua, Đà Lạt đã đạt một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho những năm tới.
 
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, Thành ủy Đà Lạt đã cụ thể bằng các nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh, chỉ đạo và đạt một số kết quả nổi bật. Trong đó đáng lưu ý: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân toàn tỉnh (đạt 16,8%); là địa phương khởi đầu, đi đầu cả tỉnh và cả nước về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), góp phần nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ có bước phát triển quan trọng, lượng khách du lịch tăng bình quân 10%/năm; các loại hình dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú; hình ảnh, phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” được giữ gìn và phát huy. Công tác quy hoạch đô thị và quản lý theo quy hoạch có nhiều tiến bộ, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, phát triển...
 
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm: Kinh tế phát triển nhưng chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Trong lĩnh vực NNCNC chưa tạo được bước phát triển đột phá trong liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Việc liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch còn là khâu yếu trong phát triển dịch vụ - du lịch. Công tác quản lý rừng cảnh quan, rừng nội ô ở một số địa bàn chưa tốt. Công tác quản lý trật tự xây dựng một số địa bàn chưa nghiêm…   
 
Để thống nhất và tập trung nguồn lực triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời thực hiện Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng…, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý sẽ ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết sẽ bám sát những định hướng lớn trong quy hoạch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cơ chế đặc thù của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. 
 
Được biết, Nghị quyết sẽ đặt ra một số vấn đề cơ bản như: tập trung tái cơ cấu nền kinh tế của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Tiếp tục khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, có quy mô lớn và chất lượng dịch vụ cao. Phấn đấu xây dựng Đà Lạt mở rộng sớm trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch di sản, hội nghị, hội thảo tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Chú trọng xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch của Đà Lạt và vùng phụ cận. Đà Lạt phải đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, vì cuộc sống cộng đồng, cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu, uy tín hàng đầu của khu vực; phấn đấu đạt 4 mục tiêu đề ra trong Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp (với sự giúp đỡ của JICA và VASS). Trên cơ sở đó, xây dựng thương hiệu số 1 Việt Nam, trung tâm sản xuất rau số 1 Đông Nam Á, điểm du lịch nông nghiệp số 1 Việt Nam, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển số 1 Tây Nguyên… Cùng với thực hiện quy hoạch và rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng NNCNC với các tiêu chí cụ thể và đẩy mạnh phát triển NNƯDCNC; mạnh dạn nghiên cứu, tham mưu, thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, thành phố Đà Lạt phải phát triển đô thị với đặc trưng “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, hướng đến thành phố thông minh nhằm đạt 4 mục tiêu: Môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hoạt động kinh tế ngày càng cao; Môi trường sống ngày càng tốt hơn; Người dân được chính quyền phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý thành phố và giám sát chính quyền… Thành phố thông minh chính là con đường để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của thế kỷ XXI.
 
Để đạt mục tiêu “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, hướng đến đô thị thông minh, Đà Lạt cần khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu; ưu tiên thực hiện quy hoạch trung tâm thành phố, các đô thị vệ tinh, đối trọng để chia sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt. Tranh thủ nguồn vốn cho Chương trình phát triển Đà Lạt xanh và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố và vùng phụ cận. Chú trọng vấn đề môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị với hình ảnh con người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách và ứng xử có văn hóa. Một việc hệ trọng nữa là phải bảo tồn rừng cảnh quan, đa dạng sinh học; khẩn trương xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, có giải pháp khôi phục diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bảo tồn tính đa dạng sinh học. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị.  
 
LAN HỒ