Hội nghị được tổ chức ngày 18/7, tại Đà Lạt, có sự tham dự của lãnh đạo UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Kiên Giang; lãnh đạo Sở VHTT&DL Lâm Đồng, Sở Du lịch Kiên Giang; Hiệp hội du lịch và khoảng 50 doanh nghiệp lữ hành, du lịch của hai tỉnh.
Hội nghị được tổ chức ngày 18/7, tại Đà Lạt, có sự tham dự của lãnh đạo UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Kiên Giang; lãnh đạo Sở VHTT&DL Lâm Đồng, Sở Du lịch Kiên Giang; Hiệp hội du lịch và khoảng 50 doanh nghiệp lữ hành, du lịch của hai tỉnh.
|
Lãnh đạo hai địa phương chứng kiến các doanh nghiệp ký kết biên bản hợp tác |
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong phát biểu chào mừng, cho biết: Đến Hội nghị, ông mong được nghe nói thẳng, nói thật trên tinh thần khởi nghiệp có sự kết nối. Hai địa phương có những thế mạnh riêng, nếu chúng ta phần ai nấy khai thác, thì sẽ không có hiệu quả, hoặc hiệu quả không cao. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chỉ có kết nối mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian qua, Lâm Đồng và Kiên Giang dù ở hai vị trí khá xa nhau - Lâm Đồng nằm ở cực nam của Tây Nguyên, còn Kiên Giang nằm ở cực nam của Tổ quốc - người trên rừng, người dưới biển, nhưng cần có những liên kết cụ thể để khai thác thế mạnh của rừng - đại ngàn Tây Nguyên, của biển đảo - hoang sơ và quyến rũ… nếu không sẽ là một thiếu sót.
Theo ông Mai Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng giữa hai tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Kiên Giang có lợi thế phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch biển đảo. Phú Quốc đang hưởng khung cao nhất của cả nước về ưu đãi đầu tư, trong đó có sân bay, bến cảng… Đặc thù của hai tỉnh rất khác biệt, nhưng sự giao thoa chưa kết nối được… Hội nghị cần tập trung trao đổi để đề xuất các giải pháp, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động du lịch; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch của hai tỉnh và các địa phương khác. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có thể khai thác, kết nối, xây dựng chương trình du lịch đặc thù, hình thành chương trình, sản phẩm du lịch liên tuyến thật sự…
Định hướng, giải pháp liên kết du lịch trong thời gian tới là liên kết phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di tích - lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh và liên kết trong công tác thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch… Các đại biểu từ các doanh nghiệp lữ hành, du lịch hai địa phương cũng thẳng thắn đưa ra những ý kiến và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền hai tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai địa phương kết nối tour tuyến, phát triển liên kết, phát triển giao thương và du lịch… Đặc biệt, các đại biểu của cả hai địa phương đều mong muốn chính quyền kết nối với các hãng hàng không mở đường bay thẳng nối Đà Lạt và Phú Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn, rút ngắn khoảng cách giữa hai vùng miền cho nhân dân hai địa phương… Hội nghị cũng chứng kiến các doanh nghiệp hai bên ký 9 biên bản ghi nhớ hợp tác.
PHẠM LÊ