"Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí" - tư tưởng nhân văn cao đẹp

09:07, 28/07/2016

Cách mạng tháng Tám 1945 vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, "không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược.

Cách mạng tháng Tám 1945 vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường.
 
Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh… Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Sau đó, ngày 26/2/1947, Phòng thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập. Đầu tháng 7/1947, Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”… Trải qua nhiều giai đoạn, nhiều tên gọi nhưng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước.
 
Như một vần thơ đã viết “Người là cha, là bác, là anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, sinh thời đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, liệt sĩ. “Ngày Thương binh toàn quốc” được tổ chức ngày 27/7/1947 ở Thái Nguyên, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.
 
Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy”. 
 
Trong thư gửi anh em thương binh và bệnh binh tháng 7/1948, Bác khẳng định tư tưởng nhân văn cao đẹp: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù hoàn toàn bị tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công… Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí”. Diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (ngày 5/1/1960), đoạn nói về thương binh, liệt sĩ, Bác Hồ căn dặn: “... Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta...
 
... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”.
 
Tiếp thu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, trải qua gần 7 thập kỷ, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, liệt sĩ” (27/7), trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng. Đây là những nghĩa cử thể hiện tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, tri ân; đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay cùng mai sau mãi khắc ghi công ơn của những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.                
 
LAN HỒ