Phải quan tâm, chăm lo đến cuộc sống, lợi ích thiết thực của người dân

09:08, 10/08/2016

Trong đợt tiếp xúc cử tri đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng sau kỳ họp thứ nhất, đồng chí Trương Thị Mai đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn tâm huyết, chân tình xoay quanh vấn đề công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay.

Vinh dự là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng nhiều khóa, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương vừa qua đã tiếp tục được cử tri Lâm Đồng tín nhiệm bầu trúng cử ĐBQH khóa XIV. Trong đợt tiếp xúc cử tri đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng sau kỳ họp thứ nhất, đồng chí đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn tâm huyết, chân tình xoay quanh vấn đề công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay.
 
PV: Thưa đồng chí, bài học Dân vận của Bác Hồ về: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy, đồng chí cho biết tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay?

Đ/c Trương Thị Mai: Tôi nghĩ rằng những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận cho đến thời điểm này và cho mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị. Để có thể xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, một trong những yếu tố quan trọng đó là xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Có nghĩa là mọi chính sách tác động đến cuộc sống người dân phải có ý kiến của người dân, trên cơ sở đó mà vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách để chính sách hoàn thiện dần và vận hành có hiệu quả trong cuộc sống. Bài học gần dân - hiểu dân - lắng nghe dân - vì dân - có trách nhiệm với dân cần tiếp tục phát huy trong tình hình mới. Có thể nói, từ cương lĩnh năm 1991 đến nay, không có một nghị quyết nào của Đại hội Đảng không nói tới bài học kinh nghiệm về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như quan hệ Đảng với dân. Để thực hiện mục tiêu về kinh tế - xã hội đến năm 2020, nếu không có được lòng dân, không có sự đồng thuận của nhân dân thì chúng ta không thể đạt được kết quả vững chắc như mong muốn. Chính vì vậy, công tác dân vận luôn được đặt vào vị trí hết sức quan trọng, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị cùng làm dân vận. Cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước, cán bộ Mặt trận và đoàn thể đều phải làm dân vận. Mỗi cán bộ của Đảng, Nhà nước đều phải biết cách tiếp cận, thuyết phục, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo nên sức mạnh toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều quan trọng là các chính sách được ban hành phải vì cuộc sống của nhân dân.
 
PV: Công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cần có phương pháp, cách làm sáng tạo nhằm mang lại hiệu quả một cách thiết thực. Theo đồng chí, cán bộ làm công tác dân vận hiện nay cần phải làm tốt lĩnh vực gì?
 
Đ/c Trương Thị Mai: Đổi mới phương thức công tác dân vận trong tình hình mới là vấn đề luôn được Đảng đặt lên hàng đầu, nhiều nghị quyết của Đảng đều nêu yêu cầu không chỉ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mà còn của toàn hệ thống chính trị và của người cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nền kinh tế thị trường với sự vận hành đầy đủ các quy luật như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải hiểu biết đầy đủ những tác động, những thách thức đặt ra và công tác dân vận chỉ có hiệu quả khi gắn được với cuộc sống thiết thực của người dân. Ví dụ, đối với người nông dân, đó là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường; hoặc đối với người lao động là điều kiện lao động, tiền lương phù hợp với thị trường lao động... Có như vậy, những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đề ra mới gắn bó lợi ích thiết thân của người dân, qua đó, người dân thấy được chính sách của Đảng, Nhà nước là cho chính cuộc sống của mình. 
 
Đổi mới phương thức công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của hệ thống chính trị để đảm bảo công tác dân vận ngày càng tốt hơn. Người cán bộ làm công tác dân vận phải lấy việc bảo vệ những lợi ích thiết thân của người dân là trách nhiệm của mình. Đồng thời, phải quan tâm đến cách thức để tiếp cận, gần gũi nhân dân, hiểu, lắng nghe, chia sẻ, tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân… Đó chính là những yêu cầu cần thiết để phát huy hiệu quả công tác dân vận hiện nay, làm cho nhân dân tin Đảng, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là mục tiêu của công tác dân vận.
 
Đồng chí Trương Thị Mai tặng quà cho gia đình chính sách tại phường 9, Đà Lạt
Đồng chí Trương Thị Mai tặng quà cho gia đình chính sách tại phường 9, Đà Lạt

PV: Lâm Đồng là địa bàn Nam Tây Nguyên với rất đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Vậy công tác dân vận đặt ra cho Lâm Đồng những vấn đề trọng yếu nào để xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thưa đồng chí?
 
Đ/c Trương Thị Mai: Đặc điểm của Lâm Đồng là có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Những vấn đề của đồng bào DTTS hiện nay đáng được quan tâm, đó là: nâng cao dân trí, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vấn đề thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ nghèo hiện nay trên cả nước vẫn tập trung nhiều ở đồng bào DTTS, trong đó có Lâm Đồng. Vì vậy, Lâm Đồng cần tiếp tục có chính sách ưu tiên để giúp người DTTS thay đổi cuộc sống, nâng cao khả năng sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa người Kinh và đồng bào DTTS, giữa khu vực thành thị và nông thôn.  
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS như chính sách tín dụng vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, chính sách trợ giá, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… Tôi đã đi đến các vùng DTTS và nhận thấy cuộc sống của bà con có những thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn cần phải chăm lo cụ thể hơn đến lợi ích thiết thực cho bà con. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, ý chí nghị lực vươn lên của chính bản thân các hộ nghèo đồng bào DTTS. 
 
Đồng thời, là địa bàn có đông đồng bào DTTS, dân tộc Tây Nguyên, dân tộc phía Bắc di cư đến đây và sinh sống nhiều năm trên mảnh đất Lâm Đồng, do vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ cụ thể cho bà con sinh sống, làm ăn, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần đổi mới phương thức để có thể vận động bà con vùng DTTS có hiệu quả hơn trong việc thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, tiếp cận được khoa học kỹ thuật… nhằm thay đổi cuộc sống tích cực hơn. 
 
PV: Vừa vinh dự được cử tri bầu trúng cử ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, nắm giữ cương vị quan trọng của đất nước, đồng chí muốn gửi gắm, bày tỏ tình cảm, trách nhiệm của mình như thế nào tới cử tri và nhân dân Lâm Đồng? 
 
Đ/c Trương Thị Mai: Tôi có nguyện vọng được ứng cử Quốc hội tại tỉnh Lâm Đồng vì đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tôi mong muốn Lâm Đồng sẽ ngày càng phát triển và sẽ đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, trên cơ sở này để cải thiện cuộc sống của người dân Lâm Đồng, trong đó có đồng bào DTTS. Nhân đây, cho tôi gửi những tình cảm và lời cám ơn chân thành đến đồng bào và cử tri Lâm Đồng đã luôn sát cánh, ủng hộ và tín nhiệm bầu tôi vào ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng. Tôi sẽ cố gắng toàn tâm, toàn ý thực hiện trách nhiệm của mình trước cử tri và quê hương Lâm Đồng và xin chúc Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng ngày càng vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh nhà sẽ luôn được củng cố và giữ vững. 
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Nguyệt Thu (thực hiện)