"Lấy dân làm gốc" vẫn tươi nguyên giá trị

08:08, 11/08/2016

Tư tưởng "Lấy dân làm gốc" là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn truyền thống văn hóa Việt Nam qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Kế thừa tư tưởng tinh hoa "Lấy dân làm gốc" của dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chiến lược cách mạng ở nước ta. 

Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn truyền thống văn hóa Việt Nam qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Kế thừa tư tưởng tinh hoa “Lấy dân làm gốc” của dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chiến lược cách mạng ở nước ta. 
 
Xây dựng một Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh vác một phần”. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam cho tất cả các quá trình xây dựng một Nhà nước mới ở nước ta trong 71 năm qua. Kể từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 luôn khẳng định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. 
 
Chú ý đến quyền lợi của nhân dân, theo Hồ Chí Minh: Trước hết phải quan tâm đến quyền lợi thiết thân hàng ngày của dân “Làm cho dân có ăn/ Làm cho dân có mặc/ Làm cho dân có chỗ ở/ Làm cho dân có học hành”. 
 
30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, đất nước đã “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”… Đánh giá về 30 năm đổi mới, Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng đã rút ra bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra mặt khiếm khuyết: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm…”. Chính vì vậy, mà Đảng đề ra phương hướng “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”… 
 
Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng từng làm bạt vía giặc Nguyên Mông căn dặn: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ”. Mở đầu áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” tổng kết mười năm kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh hung tàn, năm 1428, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…”. Nguyễn Trãi cũng từng đúc kết “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và hướng tới mục tiêu: phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc” vẫn còn tươi nguyên giá trị: “Nước lấy dân làm gốc/ Quân tốt, dân tốt/ Muôn sự đều nên/ Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra với các cấp ủy Đảng, toàn hệ thống chính trị là phải tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.          
 
LAN HỒ