(LĐ online) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện kỳ diệu trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn nhưng Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu về nắm bắt thời cơ; xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…
(LĐ online) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện kỳ diệu trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn nhưng Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu về nắm bắt thời cơ; xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Trong đó, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giải phóng dân tộc mà còn tiếp tục trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tư tưởng Đoàn kết của Người được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân và quyền thiêng liêng của con người; tin vào dân, dựa vào dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “lấy dân làm gốc”, phấn đấu vì quyền lợi của dân. Và chính tư tưởng ấy đã quy tụ, tạo sức mạnh quật khởi để dân tộc Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền được bắt đầu từ hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân và chủ trương đó được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình tập hợp lực lượng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, mà thể hiện rõ nhất là thành lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) với tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Sau khi được thành lập, Mặt trận Việt Minh đã thông qua Chương trình cứu nước gồm 10 chính sách lớn và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8/1945, trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam độc lập. Đúng như Hồ Chủ tịch nhận định: “Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân. Thêm vào đó, chương trình giản đơn, thiết thực mà đầy đủ của Mặt trận gồm có 10 điểm như bài ca tuyên truyền đã kể: Có mười chính sách bày ra, một là ích quốc, hai là lợi dân”. Mặt trận Việt Minh ra đời không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng và nâng cao gấp bội mà còn biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao.
Năm 1943, trước sự chuyển biến mới của thời cuộc, Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La đã quyết định mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng nhân dân vào cao trào kháng Nhật cứu nước và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Khi Nhật hoàng chính thức đầu hàng đồng minh, đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc tại Tân Trào, tượng trưng cho khối đại đoàn kết toàn dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn dân, thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh “đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
Nhờ sự nhạy bén, sáng suốt trong việc xác định rõ kẻ thù, mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm; kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng nên Đảng ta đã nhanh chóng tập hợp, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân, tạo nên sức mạnh vô địch đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám 1945 long trời lở đất, chỉ trong vòng 15 ngày đã thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do.
Thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; là minh chứng hùng hồn, khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng, với các hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng phù hợp, hoạt động hiệu quả; là kết quả về sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân, với tinh thần tự lực, tự cường nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay mình.
Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám là truyền thống quý báu được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới, trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu của dân tộc, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt chặng đường 71 năm qua và đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được không ngừng phát triển, vận dụng sáng tạo và nâng lên một tầm cao mới. Đại hội XII xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lâm Đồng là một tỉnh có trên 40 dân tộc trên cả nước cùng nhau sinh sống, có trên 60% người dân tham gia các tôn giáo, vấn đề xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hết sức đúng đắn, kịp thời và sáng tạo, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng ra, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ được củng cố...
Để xây dựng khối đại đoàn kết thực sự vững chắc, huy động được mọi nguồn lực của nhân dân, đòi hỏi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như địa phương đều phải vì lợi ích của nhân dân, dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà lợi ích giữa các thành phần trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…; giữ vững sự đoàn kết trong Đảng là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển hội viên, đoàn viên; đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, để phát huy vai trò, nhất là giám sát và phản biện xã hội; tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LINH NHÂN