Một trong những nội dung mới, được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII là xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là "Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức" (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr202). Xây dựng đạo đức trở thành một yêu cầu quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bài viết này không đi sâu về mặt lý luận mà chủ yếu nói về đạo đức đang diễn ra trong hoạt động thường nhật ở từng đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng.
Một trong những nội dung mới, được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII là xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là “Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr202). Xây dựng đạo đức trở thành một yêu cầu quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bài viết này không đi sâu về mặt lý luận mà chủ yếu nói về đạo đức đang diễn ra trong hoạt động thường nhật ở từng đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng.
Chúng ta đều biết rằng: “Đạo đức là một trong những phương thức chủ yếu dùng để điều chỉnh hành động của con người trong xã hội bằng các chuẩn mực, là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội (những quan hệ đạo đức), là đối tượng nghiên cứu của đạo đức”. Theo định nghĩa trên đạo đức chỉ mới biểu hiện được mặt thứ nhất của con người, nghĩa là những chuẩn mực do xã hội quy định mà con người phải tuân theo, là cách thức tác động đến con người. Những chuẩn mực dùng để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội do xã hội quy định, đó là sự tuân thủ, phục tùng của con người với tập thể, với xã hội. Khi mà tư duy duy vật biện chứng phát triển, chúng ta xác định được mặt thứ hai của hoạt động đạo đức: trong mỗi con người có cơ chế hoạt động để tự hình thành, tự “sản xuất” ra đạo đức từ bản thân mình thông qua lao động và học tập, từ đó mà đối chiếu với những chuẩn mực đạo đức xã hội tạo nên tính thống nhất giữa cá nhân và xã hội. Ở mặt thứ hai, đạo đức của mỗi người gắn liền với trình độ nhận thức và hiểu biết (trình độ tư duy) của người đó. Hiểu biết càng cao thì thực hành đạo đức càng rõ ràng. Trong hoạt động cụ thể hàng ngày, đạo đức thực chất là thể hiện những phẩm chất mà con người có được qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng của từng cá nhân trong hoàn cảnh của chính mình. Như vậy, đạo đức thể hiện cụ thể bằng hành vi (ta gọi là hành vi đạo đức) và thái độ của từng người trong lao động, giao tiếp trong các mối quan hệ của bản thân.
Đạo đức của chúng ta ngày nay là đạo đức của số đông những người lao động, là của giai cấp công nhân, Đảng của giai cấp công nhân càng phải thể hiện rõ đặc thù đạo đức của giai cấp công nhân cho nên Đảng phải là tổ chức tiên phong, khoa học, đại chúng, gương mẫu trong thực hành đạo đức, chính điều này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Đạo đức thể hiện ở mặt thứ nhất phải được giáo dục từ sớm, từ sự thống nhất trong giáo dục gia đình với giáo dục trong nhà trường và giáo dục của cộng đồng (xã hội) và phải hình thành thành những hành vi đạo đức. Khi trưởng thành, trở thành người lao động thực thụ thì mặt thứ hai của đạo đức phát triển. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên thì vấn đề có phức tạp hơn, ít đảng viên hay cán bộ nào thừa nhận đạo đức của mình chưa tốt. Vì, mỗi quần chúng khi phấn đấu đến mức “tiêu biểu” mới được xem xét kết nạp Đảng; mỗi cán bộ phải có bề dày nhất định về mức độ nổi trội trong công tác, trong rèn luyện mới được bổ nhiệm; cho nên khi đã là đảng viên, là cán bộ thì đồng nghĩa với “đã cơ bản về đạo đức” (trong đó có cả phẩm chất và năng lực). Từ đó, người cán bộ, đảng viên dễ tự mãn, tự bằng lòng, và vấn đề suy thoái đạo đức lối sống là “chuyện của người ta”, của các ngành, các cấp nào đó, chứ không phải của mình, của tổ chức mình. Người ta có xu hướng “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không” trong nội bộ, cho nên, tham nhũng, lãng phí, quan liêu ít được phát hiện thông qua tự phê bình và phê bình, qua kiểm tra, giám sát, thậm chí qua thanh tra.
Theo quy luật, đạo đức được hình thành trong quá trình vận động xã hội, gắn liền với sự phát triển của lao động và tư duy, gắn liền cá nhân với hoàn cảnh. Với cơ chế hình thành ấy thì vấn đề quan trọng của mỗi cá nhân và tổ chức là lao động và tư duy. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trình độ nhất định và thường xuyên tham gia những lớp bồi dưỡng theo công việc hoặc chức danh (chưa tính đến các khóa đào tạo) cho nên không thể nói những vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức là “không biết, không hiểu” được, mà “biết sai nhưng vẫn làm”. Như vậy, hai mặt lao động và tư duy của cá nhân đó “có vấn đề”.
Trước hết, chúng ta hãy bàn về tư duy. Tư duy là tên gọi của hoạt động của não bộ, kết quả của nó là nhận thức. Tư duy không phải là một “khối nguyên xi”, không chung chung mà nó có các cấp độ, trong đó, tư duy duy vật biện chứng là cấp độ cao nhất. Từ đó, nhận thức (sản phẩm của tư duy) cũng có những mức độ của mình. Nhận thức ở trình độ cao là nhận thức lý tính, tức là lúc này con người đạt đến ý thức trí tuệ, nhận thức được quy luật và hành động theo quy luật. Như vậy, những vi phạm về chuẩn mực đạo đức hay pháp luật của những người “biết nhưng vẫn làm” thì sự “biết” của họ chỉ mới ở mức độ ý thức kiến thức. Kiến thức ấy có được qua học tập, qua kinh nghiệm gián tiếp hoặc trực tiếp nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức độ “cảm tính”, chưa trở thành trí tuệ và “năng lực tự thân vận động”. Ở mức độ này, người ta làm hay không làm gì đó là do “không sợ” hay “sợ” chứ chưa phải là sự tự giác do nhận thức được quy luật. Như vậy, vấn đề vẫn là “đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức”.
Thứ hai, về lao động. Trong quá trình lao động, tính thiện, tính tích cực của con người nói riêng và của loài người nói chung được hình thành và phát triển. Lao động sẽ giúp con người ngày càng NGƯỜI hơn. Cùng với lao động thì những yếu tố “phi lao động” tức là cái Ác, cái tiêu cực cũng dựa vào đó mà phát triển. Cái Ác cản trở quy luật phát triển của con người, được sự thúc đẩy của ý thức, nó ngày càng trở nên tinh vi hơn. Ở mỗi con người thì cái Ác chính là chủ nghĩa cá nhân, ở mỗi đất nước thì cái Ác là những truyền thống, tập tục, định kiến, thói quen... lạc hậu, ở tầm nhân loại thì cái Ác là chủ nghĩa đế quốc, dân tộc cực đoan, khủng bố... tức là những gì đi ngược lại sự phát triển, cản trở cái tích cực. Lao động càng tha hóa thì cái Ác càng có nguy cơ bị đẩy lên. Cán bộ, đảng viên nhất là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý rất dễ bị tách rời khỏi lao động, tức là lao động bị tha hóa, khi mà chỉ một cái gật đầu, một chữ ký, một sự có mặt của anh thôi đã mang đến quyền lợi vật chất nhất định mà không cần phải “làm” gì cả. Lúc này, nếu người cán bộ, đảng viên không xác định được quy trình lao động của mình, không xác định được sản phẩm lao động của mình là gì thì rất dễ vô trách nhiệm. Cho nên, cần phải gắn việc rèn luyện đạo đức cách mạng với lao động.
Trên cơ sở đó, xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Nâng cao trình độ tư duy thông qua lãnh đạo, quản lý, thông qua con đường học (trong đó chú trọng đến tự học). Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Đảng nói chung và của mỗi tổ chức Đảng nói riêng phải được tăng cường. Ngoài việc cử cán bộ, đảng viên tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng thì ngay trong cơ quan, đơn vị, mỗi một lần sinh hoạt chính là một lần học tập. Nội dung sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chuyên môn phải thực sự được đổi mới, không né tránh những vấn đề khó, vấn đề gai góc, nhạy cảm. Phân công cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu các vấn đề về xây dựng Đảng, về công tác chuyên môn để đưa ra bàn bạc, góp ý, đưa vào thực tiễn. Những đề tài, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích phải là kết quả của quá trình nghiên cứu thực sự, được tập thể chấp nhận và nhân rộng, không làm qua loa, hình thức theo kiểu “cho có để đạt danh hiệu thi đua”.
- Người đứng đầu và tập thể phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và của từng thành viên trong tổ chức, phân công trách nhiệm phải rõ ràng, gắn với thời gian, tiến độ, kết quả, nếu ách tắc ở đâu phải chỉ ra được trách nhiệm do ai. Người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chính là những người chỉ ra con đường, cách thức, quan trọng là truyền cảm hứng, lý tưởng cho các thành viên. Để từ đó, lao động của đơn vị là thực chất, kết quả là rõ ràng, hiệu quả. Có như thế thì việc đánh giá cũng chính xác hơn.
- Xây dựng đạo đức trong Đảng đương nhiên cần gắn chặt với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các nguyên tắc nêu gương, phê bình và tự phê bình một cách khách quan, xây đi đôi với chống, rèn luyện suốt đời và các giải pháp mà Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị đã đề ra. Để đi đến tận gốc của vấn đề, các tổ chức Đảng cần đầu tư hơn cho vấn đề nâng cao trình độ nhận thức, để mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ biết, hiểu về đạo đức mà còn đưa nó trở thành cái của mình, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích giữa cái tôi và cái ta. Thống nhất lợi ích trên cơ sở vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Đồng thời, phải thấm nhuần quan điểm “lấy việc rèn người” mà Bác Hồ đã chỉ ra, để học tập, lao động, sáng tạo trở thành niềm vui, mục đích sống của mỗi người.
Tóm lại: mỗi đảng viên phải phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu để nâng cao nhận thức của mình, tiếp cận với trình độ tư duy duy vật biện chứng. Chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu Học thuyết Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nâng cao các phẩm chất đạo đức để thực hành trong đời sống hàng ngày, trong lao động và các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với tự nhiên.
Xây dựng TCCS đảng trong sạch, vững mạnh một cách khách quan là biểu hiện cao nhất của đạo đức người đảng viên.
Nguyễn Thị Minh Hiếu