"Cần sớm ổn định đời sống nhưng đặc biệt không được xâm phạm đến rừng"

04:09, 27/09/2016

(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng trong đợt kiểm tra thực tế tại dự án tái định cư cho dân di cư tự do ở thôn Đạ M'Pô, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông).

* Thôn 5 Rô Men phải phấn đấu trở thành thôn kiểu mẫu
 
(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng trong đợt kiểm tra thực tế tại dự án tái định cư cho dân di cư tự do ở thôn Đạ M’Po, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông).
 
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đi kiểm tra thực tế tại khu vực dự án định cư dân di cư tự do Đạ M Pô
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đi kiểm tra thực tế tại khu vực dự án định cư
dân di cư tự do Đạ M'Pô

Theo báo cáo của huyện Đam Rông, từ khi thành lập đến nay, tình hình dân di cư tự do vào địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp, chủ yếu là dân tộc Mông thuộc các tỉnh phía miền núi Tây Bắc. Khi vào địa bàn huyện, các hộ thường chọn các khu vực rừng phòng hộ xa xôi, hẻo lánh giáp với địa phận tỉnh Đắk Nông để sinh sống; phá rừng làm rẫy trái phép; gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhân hộ khẩu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với quản lý bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
 
Trước thực trạng trên, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế, đồng thời ổn định đời sống cho dân di cư tự do. Trong đó, địa phương đã xin chủ trương và thực hiện 3 dự án quy hoạch sắp xếp, ổn định đời sống cho các gia đình. Đã có 2 dự án hoàn thành, gồm: Dự án tại thôn 5, xã Rô Men, bố trí ổn định cho 111 hộ; dự án tại tiểu khu Phi Liêng cho 75 hộ và dự án tại khu vực Đạ M’Pô đang triển khai, sau khi hoàn thành sẽ xắp xếp chỗ cư trú ổn định đời sống cho khoảng 300 hộ.
 
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận đồng thời gây ra rất nhiều khó khăn không chỉ cho chính quyền địa phương, đó là số hộ dân di cư tự do đang sinh sống rải rác tại các khu vực rừng phòng hộ vẫn còn rất lớn, ước lượng khoảng 414 hộ với trên dưới 3.800 nhân khẩu. Nổi cộm lên là tại Tiểu khu 179, 181 xã Liêng S’rônh và khu vực Tây Sơn giáp ranh giữa hai xã Phi Liêng và Liêng S’rônh; tại các khu vực có dân di cư tự do sinh sống, đa phần đều thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, thuộc rừng phòng hộ, người dân đã dựng nhà cửa, canh tác, sản xuất ổn định và không còn cây rừng.
 
Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ 2014 đến nay, tổng diện tích rừng bị dân di cư tự do lấn chiếm là 2.427 ha, trong đó lấn chiếm trước thời điểm thành lập huyện là 2.117 ha, sau khi thành lập là 310 ha.
 
Nhìn chung, đời sống của các hộ gặp rất nhiều khó khăn, các khu vực sinh sống không có đường giao thông, trạm y tế, trường học, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, an sinh xã hội không được đảm bảo.
 
Tại buổi kiểm tra thực tế tại dự án Đạ M’Pô, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cho biết: Dự án Đạ M’Pô thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của người dân bản địa vùng sâu, đặc biệt là dân di cư tự do. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hiện tại đường vào cũng đã được san bạt, rải đá cấp phối, thuận tiện cho việc đi lại; nơi ở cũng đã có điện thắp sáng, trường học cho trẻ em. Việc gấp rút trước mắt, huyện và xã cần phải tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống cho người dân, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng không được xâm phạm thêm đến rừng, bởi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nghiêm cấm phá rừng lấy đất. Huyện cần phải tuyên truyền, vận động, đưa các hộ đang sinh sống tại các khu vực rừng phòng hộ về ổn định tại Đạ M’Pô và bố trí xen ghép vào các vị trí quy hoạch ổn định dân cư tại chỗ nói trên. Các hộ cố tình chống đối và không chấp hành sẽ cương quyết giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp lấn chiếm, tổ chức trồng lại rừng. Hiện tại, khu vực Dự án Đạ M’Pô có 114 hộ dân di cư tự do và 58 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với gần 800 khẩu.
 
Theo tìm hiểu, được biết Dự án quy hoạch khu dân cư Đạ M’Pô, xã Liêng Srônh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 và năm 2015 bố trí kinh phí thực hiện 10 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2016 dự án không được bố trí vốn. Tại buổi làm việc, huyện Đam Rông cũng đã kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban ngành tiếp tục quan tâm và bố trí vốn để dự án sớm hoàn thành, ổn định đời sống cho dân di cư tự do.
 
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với người dân thôn 5 xã Rô Men (Đam Rông)
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với người dân thôn 5, xã Rô Men (Đam Rông)

Cũng trong ngày làm việc với huyện Đam Rông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đến thăm thôn 5, xã Rô Men, khu vực Dự án trước đây, hiện tại người Mông di cư tự do tại đây đã có cuộc sống khá ổn định.
 
Thôn 5 hiện có 160 hộ với 838 nhân khẩu, 100% dân sinh sống đều là người H’Mông, toàn thôn có 2 hộ giàu, 35 hộ khá và 65 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Tổng diện tích đất của thôn 5 là 1.894 ha, trong đó, đất nông nghiệp là lúa nước có 32 ha; đất cà phê trên 116 ha; đất trồng mì, bo bo, bắp và các loại cây ăn trái gần 70 ha; 120 hộ trong thôn cũng đã trồng được gần 100 ha rừng và có 54 hộ khai thác gần 50 ha... 
 
Dù đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên đời sống của người Mông tại đây vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng và sự chịu khó của nhân dân và sự quan tâm của các cấp, như chính sự thừa nhận của ông Giàng Seo Lông – một trong những người đầu tiên vào đây sinh sống. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chưa cao, chưa mạnh dạn đầu tư cho các mô hình và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lao động phần lớn vẫn còn dùng sức người là chính, một số hộ vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
 
Phát biểu tại buổi làm việc ở thôn 5, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cho rằng với tính cần cù, chịu khó, ham làm và diện tích đất sản xuất lớn như vậy, không có lí do gì để khiến người dân thôn 5 phải nghèo. Việc thay đổi ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và sự vươn lên của người dân, đồng chí  Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo và giao nhiệm vụ, thôn 5 cần phải thay đổi để trở thành thôn kiểu mẫu của cả tỉnh, người dân không được tự ti, mặc cảm là người dân tộc thiểu số, là người nơi khác vào đây lập nghiệp, cần phải tự hào, cố gắng làm giàu để đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương mới Lâm Đồng.
 
Cũng trong đợt này, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm và tặng quà các cụ là người cao tuổi nhân Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2016. Bên cạnh động viên, chúc sức khỏe và mong các cụ sống vui, sống khỏe, tạo phúc đức cho con cháu; đồng chí Bí thư cũng đã thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh tặng các phần quà và số tiền 1.000.000 đồng/ cụ tới  các cụ Rơ Lik H’Bó, Krăn Y Đum, Ma Seo Jiu đang sinh sống tại xã Rô Men và hai cụ K’Mhang, Long Đinh K’Glang tại xã Liêng Srônh.  

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến tặng quà người cao tuổi tại thôn 5, xã Rô Men
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến tặng quà người cao tuổi tại thôn 5, xã Rô Men

Tuấn Linh - Ngọc Ngà