Không chỉ "Cả một đời vì nước vì non" mà trước khi "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác", Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất còn dồn tâm trí hết lòng vì nước, vì dân qua bản Di chúc của Người để lại
Không chỉ “Cả một đời vì nước vì non” mà trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất còn dồn tâm trí hết lòng vì nước, vì dân qua bản Di chúc của Người để lại. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong một căn cứ ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TƯ LIỆU |
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người khởi thảo lúc 9 giờ sáng 10/5/1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 và kết thúc ngày 10/5/1969. Di chúc đề cập tới 6 nội dung chính: Trước hết nói về Đảng, Đoàn viên và Thanh niên, Nhân dân lao động, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, Về phong trào Cộng sản thế giới, Về việc riêng. Di chúc là một văn kiện có giá trị lịch sử, đồng thời còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc; là một tài sản vô giá, xứng đáng được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc. Nội dung Di chúc là sự kết tinh của lý tưởng cộng sản và niềm tin sắt đá vào lý tưởng cao đẹp ấy, của tình cảm cách mạng sâu sắc và trí tuệ cách mạng sáng suốt, của lương tâm trong sạch và lối sống thanh cao, của lòng yêu nước thương dân và tinh thần quốc tế vô sản.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị như một cương lĩnh chính trị xây dựng và phát triển đất nước. Bản Di chúc đề cập đến nhiều phương diện, chứa đựng những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, mang ý nghĩa nhân văn cao cả và giá trị lịch sử cho muôn đời sau. Mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên nhân cách của một “công bộc” phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. UNESCO khi tôn vinh Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam đã khẳng định: “Những đóng góp quan trọng và nhiều chiều của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, giáo dục và nghệ thuật kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam trải dài mấy ngàn năm lịch sử” và “Những lý tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của nhân dân các nước trong việc khẳng định diện mạo văn hóa của mình”.
Di chúc là sự “đúc kết những giá trị tư tưởng lớn lao và định hướng đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam phải đi và phải đến. Sức sống trường tồn của Di chúc, ánh sáng kỳ diệu tỏa ra trong toàn bộ Di chúc là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (nhà nghiên cứu Đỗ Huy). Đọc Di chúc bắt gặp những giá trị nhân văn tỏa sáng từ những nội dung cơ bản được thể hiện trong tác phẩm. Trước hết, đó là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, với nhân dân và với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đó là tâm nguyện mà cả một đời Người đã toàn tâm toàn ý thực hiện. Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn đó, Bác luôn mong muốn nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người quan tâm đến tất cả các tầng lớp, các loại người, không bỏ sót một ai, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức; không những trong nước mà trên toàn thế giới. Yêu thương, tôn trọng nhân dân nên Bác nhắc nhở: không được “lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Tư tưởng tôn trọng con người, thương yêu con người của Bác thật rộng lớn và sâu sắc. Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Tình thương yêu con người đã là động lực mãnh liệt thôi thúc hoạt động vì nước, vì dân trong suốt cuộc đời Bác. Tình thương yêu con người cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng, mọi con người, tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng cho dân tộc, cho mọi người và cho mỗi cá nhân.
Cũng theo Người: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là điều kiện tiên quyết bảo đảm quyền con người. Quyền con người là một giá trị nhân loại đồng thời gắn liền với quyền thiêng liêng của một dân tộc. Sự nghiệp giải phóng con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Thực hiện đầy đủ các quyền con người, trước hết phải bảo vệ các giá trị nhân quyền của cả nhân loại, phải bảo đảm sự thống nhất, độc lập của mỗi quốc gia dân tộc. Giành độc lập tự do là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Nước có độc lập, dân mới được hạnh phúc. Phải độc lập, thống nhất bằng mọi giá và điều đó chắc chắn phải thành hiện thực. Trong Di chúc, Người cũng nhấn mạnh vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo sự nghiệp chống Mỹ, trong công cuộc khôi phục đất nước. Bác đặc biệt nêu lên ý nghĩa nhân văn trong việc Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành với nhân dân. Tháng 5/1968, Bác viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Lý tưởng của Đảng là chống áp bức, bóc lột, mang những giá trị chân chính của con người trả lại cho con người. Bản chất xã hội mới lấy con người làm trung tâm và thống nhất với mục đích lý tưởng của Đảng. Với lý tưởng ấy, Đảng đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết. Nhiệm vụ cao cả của Đảng là làm cho nhân dân giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm các quyền con người cơ bản cho nhân dân theo ý niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 47 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là thực sự xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Bác từng dạy: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Theo Bác phải “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Thực hiện Di chúc sẽ góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, tạo đà cho cách mạng Việt Nam đi vào giai đoạn phát triển mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó góp phần thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
ĐAN THANH