Yêu thương con người là một trong bốn chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh gồm: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Yêu thương con người là một trong bốn chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh gồm: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Cả đời bôn ba, tranh đấu vì nghĩa lớn, yêu thương và trải nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận rằng trên đời này có hai hạng người: Người thiện và người ác, hai thứ việc: Việc chính và việc tà. Trái tim rung cảm cùng từng phận người, theo Bác, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng, mà cần biểu hiện một cách thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, tình yêu thương con người không có biên giới.
Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã thể hiện tình yêu con người thông qua hệ thống những quan điểm nhất quán, những hành động thiết thực vừa mang tính bao quát, dẫn đường vừa trực tiếp, cụ thể với từng trường hợp mà Người biết, Người gặp. Qua đó, thương yêu con người thể hiện qua việc tập trung chăm lo cho con người; tôn trọng, quý trọng con người; sống với nhau có tình, có nghĩa; đặt niềm tin vào con người…
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó theo Người quan trọng nhất là: “Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo”. Trên cương vị Chủ tịch nước, khi nạn đói xảy ra từ tháng 10 năm 1944 đến giữa năm 1945 làm 2 triệu người chết, Bác kêu gọi: “… Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên…”.
Chăm lo cho con người trước hết là những người đã hy sinh cho Tổ quốc và đời sống thân nhân của họ, là bà con nông dân, là các cháu thiếu nhi, là thanh niên, là phụ nữ… để bồi đắp các nhu cầu tinh thần, làm đủ đầy hơn về vật chất; để nhân dân có điều kiện kháng chiến và dựng xây.
Cả ở phía bên kia của những mặt tích cực - những nạn nhân của chế độ cũ như: trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước cần quan tâm giáo dục, dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Bác cho rằng: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”, cần làm sao để: “Phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi”.
Được tôn trọng, quý trọng là một trong những nhu cầu bậc cao của con người bên cạnh những nhu cầu thiết yếu. Trân trọng con người, Bác ví: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác…
Đặc biệt, yêu thương con người cũng là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác Hồ đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”.
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại: Vào dịp tháng 5 các năm 1966, 1968, 1969, Bác đều cho mang bản Di chúc đã viết năm 1965 ra để bổ sung, sửa chữa. Năm 1966, bên cạnh câu đã đánh máy từ năm 1965: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, Bác ghi thêm: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”… Tình thương yêu giúp gắn kết tình đồng chí, cùng phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm cho nhau, cùng xây dựng tổ chức. Xây dựng tình đồng chí thương yêu nhau chính là trách nhiệm, là cái tâm, cái tình của mỗi người cộng sản.
Yêu thương con người đồng thời phải tin vào con người. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ.
Có thể nói, tình yêu thương con người không chỉ là chuẩn mực đạo đức mà chính là những ân tình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho tất cả chúng ta:
“Vì sao trái đất nặng ân tình /Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh /Như một niềm tin, như dũng khí /Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh” (Theo chân Bác - Tố Hữu).
YÊN NGUYÊN