Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tinh thần Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, từ năm 1077, dân tộc Việt Nam đã dõng dạc, hào hùng vang lời bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất “Nam quốc sơn hà”:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư./ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,/ Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời./ Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?/ Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong). Bản Tuyên ngôn này do Lý Thường Kiệt khi lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn hơn 30 vạn quân Tống xâm lăng đã viết nên. Tiếp đến “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi sau cuộc kháng chiến chống quân Minh:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/ Núi sông bờ cõi đã chia,/ Phong tục Bắc Nam cũng khác;/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”… Cho đến Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các áng hùng văn ấy đã khắc vào lịch sử Việt Nam điều thiêng liêng tối cao của dân tộc là tinh thần độc lập, tự do.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX là thắng lợi to lớn của mặt trận nhân dân gồm nhiều dân tộc, màu da, tầng lớp, chính kiến khác nhau thừa nhận chân lý “bất hủ” của quyền sống, quyền làm người, với tinh thần “Không có gí quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên. Đó cũng chính là thắng lợi của nguyên tắc quyền dân tộc cơ bản, bao gồm các quyền con người, được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập. Không phải ngẫu nhiên mà đoạn mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dẫn nguyên văn một đoạn mang nội dung tư tưởng cơ bản nhất của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (năm 1776):
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đồng thời cũng dẫn nguyên văn đoạn
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791). Trích dẫn những “lời bất hủ” với “những lẽ phải không ai chối cãi được” vào Tuyên ngôn Độc lập 1945 đã làm cho bản tuyên ngôn không chỉ kết tinh những giá trị tinh thần, khát vọng thiêng liêng và văn minh của dân tộc ta, mà còn chứa đựng đầy đủ những giá trị chung của nhân loại. Sự kết hợp hài hòa ấy đã đưa dân tộc Việt Nam hội nhập vào thế giới hiện đại và đi vào tiến trình phát triển văn minh chung của nhân loại.
Xây dựng một Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời dặn cuối cùng viết trong Di chúc, Người cũng tiếp tục nhắc nhở Đảng cần phải có kế hoạch thật chu đáo để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, có như vậy độc lập mới có ý nghĩa, quyền độc lập dân tộc mới được bảo đảm.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, trong 30 năm đổi mới, đất nước đã “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”…
Với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Nhà nước ta đã và đang phấn đấu làm cho nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, trong Tổ quốc hòa bình, độc lập là kế sách lâu bền nhất, căn bản nhất để giữ gìn nền độc lập của dân tộc. Đó cũng là cách khẳng định quyền con người, quyền dân tộc cơ bản trên thực tế mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao ý chí, giữ vững thành quả cách mạng, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, chúng ta tiếp tục phấn đấu đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
LAN HỒ