(LĐ online) - Ngày 30/9, tại TP Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị giao ban ba Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nhằm đánh giá kết thực hiện nhiệm vụ của ba Ban từ sau Hội nghị giao ban tại TP Cần Thơ tháng 7/2015 đến nay.
Đồng chí Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu khai mạc hội nghị |
Báo cáo do ông Điểu Kré - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trình bày tại hội nghị nhận định: Vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định phát triển cả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái của đất nước. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của TW Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội ở ba vùng phát triển ổn định. Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người từng bước được thu hẹp khoảng cách so với bình quân đầu người của cả nước. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo nhiều địa bàn nông thôn. Qua hơn 5 năm thực hiện, ở ba vùng đã xây dựng hàng nghìn mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Số xã đạt chuẩn NTM và số chỉ tiêu trung bình các xã đạt được đều tăng khá. Công tác an sinh xã hội được tập trung chăm lo khá tốt. Nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững đã được triển khai, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở các địa bàn nông thôn có đông đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc còn 14,96%, Tây Nguyên còn 7,3%, Tây Nam Bộ còn 3,54% (cả nước là 4,5%)…
Toàn cảnh hội nghị |
Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu còn được nghe một số báo cáo như: Tổng hợp ý kiến đề xuất của ba Ban về sửa đổi, bổ sung Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định 97-QĐ/TW của Ban Bí thư TW Đảng về xây dựng quy chế làm việc nội bộ, chủ động sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức của các Ban chỉ đạo; Thực trạng và giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; Kết quả 3 năm thực hiện thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Thông tấn xã Việt Nam với các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… Ngoài ra, các ý kiến tham luận, phát biểu tại hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục trong thời gian tới như: tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các Ban Chỉ đạo; cơ chế chính sách và đặc thù như phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng như sản phẩm mặt hàng chủ lực, kết cấu hạ tầng giao thông, công trình ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã dịch vụ; tổ chức chỉ đạo liên kết vùng; quy hoạch tổng thể của ba vùng; quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước; vấn đề hạn hán xâm nhập mặn; giải quyết vấn đề dân di cư tự do, ổn định dân cư, xây dựng quỹ đại đoàn kết toàn dân tộc…
Lễ ký kết thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa TTXVN với Ban Chỉ đạo Tây Bắc,Tây Nguyên và Tây Nam Bộ |
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền với đại diện lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam.
Để 3 vùng chiến lược phát triển bền vững
Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”. Vì vậy, việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 3 Ban Chỉ đạo là hết sức cấp thiết, đúng với tinh thần của Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII. Theo tôi, các Ban Chỉ đạo chỉ có ý nghĩa đối với các địa phương trong vùng khi thực sự giúp địa phương phát triển, bởi vậy ngoài yêu cầu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bản thân các Ban Chỉ đạo cần rà soát, bổ sung nguồn nhân lực thực sự có chất lượng, có tâm và đúng tầm của một Ban Chỉ đạo có phạm vi cấp vùng. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người lao động làm việc tại các Ban Chỉ đạo để phù hợp với yêu cầu công tác, tạo động lực cho cán bộ và người lao động. Chính vì vậy, cần sớm đề xuất với Bộ Chính trị ban hành các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, quan hệ công tác của các Ban Chỉ đạo. Sau hội nghị này, đề nghị các bộ phận có liên quan của các Ban Chỉ đạo cần có một số tọa đàm, tham vấn với đại diện Ban Tổ chức TW, Văn phòng TW, các Ban Đảng và một số địa phương để xin ý kiến về dự thảo trước khi trình Bộ Chính trị.
Cùng với chương trình di dân theo kế hoạch, do đời sống kinh tế khó khăn, thời gian qua, một bộ phận đồng bào di dịch cư đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn để ổn định sản xuất. Từ năm 1976 đến nay, khoảng 190 ngàn hộ, với trên 937,5 ngàn khẩu đã di cư tự do (DCTD) đến Tây Nguyên; trong đó gần 50 ngàn hộ dân DCTD từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, đã ổn định đời sống, sản xuất và nhập khẩu cho gần 166,3 ngàn hộ. Từ năm 2010 trở lại đây, số lượng, quy mô và mức độ di dân có giảm, và từ 2014 đến quý II/2016, số dân DCTD đến Tây Nguyên có 572 hộ/1.621 khẩu. Riêng trong giai đoạn 2005 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện 57 dự án bố trí ổn định dân DCTD trên địa bàn. Hiện còn 20.211 hộ/77.383 khẩu dân DCTD cần tiếp tục được bố trí vào vùng quy hoạch.
Để bố trí, ổn định dân DCTD trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần rà soát, phân loại các đối tượng dân DCTD để sắp xếp một cách hợp lý. Đối với số hộ đã được quy hoạch vào dự án và được phê duyệt nhưng chưa có kinh phí thực hiện, đề nghị các tỉnh rà soát, điều chỉnh các dự án cho phù hợp thứ tự ưu tiên để trình Chính phủ quyết định hỗ trợ đầu tư theo kế hoạch năm 2016. Đối với số hộ hiện đang sống trong vùng xung yếu và các vùng trọng điểm của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, cần có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật, kiên quyết đưa dân ra khỏi rừng và bố trí vào quy hoạch sắp xếp dân cư. Ngoài ra, số hộ chưa có đất sản xuất, cần rà soát để bố trí vào dự án sắp xếp dân cư theo quy hoạch…
Với bối cảnh mới về xâm nhập mặn, nguồn nước, sự hội nhập của các chuỗi giá trị nông - thủy sản của vùng trên thị trường quốc tế, Tây Nam Bộ cần được quy hoạch thành các tiểu vùng kinh tế với các chiến lược kinh tế khác nhau, thực hiện kinh tế tiểu vùng thống nhất. Ba tiểu vùng có thể xác định, đó là Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau. Ba tiểu vùng này cần được định hình 3 chiến lược tăng trưởng tiểu vùng, quy hoạch với trọng điểm trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản quản trị hiện đại, bền vững sinh thái, quy mô lớn; giữ sinh thái cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Phấn đấu đưa vùng Tây Nam Bộ trở thành địa bàn của một chuối nông - thủy sản - thực phẩm hiện đại từ: nghiên cứu ứng dụng công nghệ, công nghiệp trang thiết bị, thức ăn sản xuất giống cho thủy sản, nông nghiệp; nông trại hiện đại được quản trị hiện đại; chế biến sâu gắn với ngành nghề chế biến thực phẩm, dược phẩm, hệ thống dịch vụ, chứng nhận, phân phối. Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh sản xuất lớn quy mô cấp vùng, nhất là về thủy sản và cây ăn quả, lúa, cấn có quy hoạch và thống nhất quản trị theo tiểu vùng sản xuất. Chuyển thẩm quyền xét duyệt quy hoạch từng tỉnh, lên thẩm quyền chung của các tỉnh trong vùng, tiểu vùng, thực hiện quy hoạch sẽ được giám sát công khai bởi doanh nghiệp và người dân, đồng thời có cơ chế đánh giá minh bạch thực hiện quy hoạch trong vùng thường xuyên hàng năm...
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã đạt được, vấn đề phát triển 3 vùng chiến lược này vẫn còn nhiều bất cập, thách thức. Đó là, chưa thực sự phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của từng vùng để phát triển thành lợi thế cạnh tranh; chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các tỉnh trong khu vực còn khá lớn; liên kết nội vùng và liên kết giữa các vùng còn hạn chế; kết cấu hạ tầng các vùng chưa đồng bộ và nguy cơ nới rộng về chênh lệch kinh tế đã trở thành sự thật; biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét, nặng nề nhất là gần đây tình trạng xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ, khô hạn và thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở Tây Nguyên, sạt lở ở Tây Bắc diễn ra cực đoan so với dự báo và hiện đã ở mức báo động.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trước mắt chúng ta cần rà soát, xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng với tầm nhìn dài hạn, theo hướng tích cực đa ngành nhằn đưa ra định hướng phát triển mang tính chiến lược, ổn định, lâu dài cho từng vùng; tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả quá trình triển khai thực hiên quy hoạch một cách hiệu quả; xây dựng hệ thống thể chế đủ mạnh để điều phối các vùng có hiệu quả; đặc biệt, cần phải có một “tư duy phát triển vùng” trong một cơ chế, chính sách cũng như trong từng chương trình, dự án đầu tư phát triển của vùng, nhất là trong thực hiện quy hoạch tổng thể một cách triệt để và nghiêm túc của các địa phương trong vùng.
Lâm Đồng có dân số 1,3 triệu người, thuộc 43 dân tộc anh em của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước hội tụ về đây cùng làm ăn sinh sống. Tây Nguyên và Lâm Đồng vì vậy có nét đặc trưng về văn hóa với sự hòa quyện văn hóa dân tộc Tây Nguyên và văn hóa các vùng miền trong cả nước. Cũng từ đặc điểm đó, dân số của Tây Nguyên - Lâm Đồng tăng nhanh và có tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch hay dân di cư tự do, đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm.
Từ thực tế của tỉnh Lâm Đồng, tôi kiến nghị: Trung ương Đảng, Chính phủ cần có chủ trương rà soát, bổ sung quy hoạch đề án tái cơ cấu kinh tế của 3 vùng này để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán ở Tây Bắc, Tây Nguyên, ngập mặn ở Tây Nam. Cần phải có cơ chế, chính sách huy động và khuyến khích nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị. Chính phủ cần có chính sách để các địa phương có điều kiện ổn định dân cư, chủ động bố trí tái định cư cho dân có nhu cầu di cư hợp lý, hạn chế thấp nhất tình trạng di cư tự do. Các điểm dân đến hiện nay, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho dân ổn định cuộc sống. Đối với vấn đề liên kết vùng: 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam đều khó khăn, nhưng là 3 vùng có tiềm năng để phát triển, vì vậy liên kết vùng để tạo điệu kiện cho 3 vùng phát triển, đồng thời phải khơi dậy tiềm năng về đất đai, cảnh quan, con người của 3 vùng này. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết. Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của 3 vùng; chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động là người DTTS.
|