Cát Tiên là một trong những địa phương thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể và mang lại kết quả khả quan.
Cát Tiên là một trong những địa phương thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể và mang lại kết quả khả quan.
Ông Trần Đình Hạnh - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cát Tiên cho biết, Cát Tiên là huyện cực nam của tỉnh Lâm Đồng có 10 xã, 1 thị trấn và có 27 TCCS đảng, trong đó có 16 đảng bộ, 11 chi bộ cơ sở. Với một địa phương có đơn vị hành chính cùng TCCS đảng nhiều như vậy, lại có đặc thù xuất phát điểm KT-XH thấp, điều kiện hội nhập với sự phát triển của xã hội có nhiều hạn chế, nên vấn đề đặt ra là cần có sự lãnh, chỉ đạo; quản lý, điều hành và vận động tập hợp quần chúng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương càng trở nên bức thiết. Ngay sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”, ngày 27/4/2017, BTV Huyện ủy xây dựng, ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn”, đồng thời chỉ đạo cấp ủy các xã, thị trấn (TT) xây dựng các nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng cấp trên phải bám sát vào tình hình thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trên cơ sở đó, các cấp ủy xác định: vấn đề quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, các cấp ủy tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Theo đó, cấp ủy chỉ đạo chính quyền, phối hợp với các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào thi đua, nhằm phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố điển hình tiêu biểu làm nguồn cho công tác phát triển Đảng.
Cùng với việc quan tâm phát triển đảng viên theo đúng quy định của Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng: Phải đảm bảo về lý lịch nhân thân, gia đình, có trình độ học vấn, có đạo đức, lý tưởng; các cấp ủy cũng phối hợp với các ban xây dựng đảng của huyện, các trường đào tạo chuyên nghiệp, tại chức mở nhiều lớp bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”. Cùng với đó, là việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển theo hướng trên xuống, hoán đổi vị trí, địa bàn giữa các chức danh của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhằm tạo dựng bộ máy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn năng động, trách nhiệm, hiệu quả. Bằng cách làm đó, hiện nay, trong tổng số 363 cán bộ, công chức cấp xã, TT của huyện Cát Tiên có đến 90% cán bộ chuyên trách và công chức đã qua đào tạo về chuyên môn và 80,7% đã được đào tạo lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Về mặt tổ chức, đối với cấp ủy của các xã, TT; BTVHU chỉ đạo không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và phương thức lãnh, chỉ đạo: Đảng bộ, chi bộ căn cứ vào nghị quyết của Đảng cấp trên và đặc điểm tình hình thực tế để xây dựng Nghị quyết phát triển KT-XH của địa phương; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, từng năm, từng thời điểm; xây dựng quy chế làm việc; phối hợp với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể. Đổi mới sinh hoạt Đảng theo phương châm ngắn gọn, súc tích, gắn công tác xây dựng Đảng, với nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Đồng thời, phương thức lãnh, chỉ đạo phải thực hiện nhất quán quan điểm: Đảng lãnh, chỉ đạo bằng nghị quyết, không cầm tay, chỉ việc, nhưng cũng không quan liêu, mệnh lệnh mà phải cụ thể, sâu sát, thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Đối với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể: Căn cứ vào Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền; Mặt trận, các đoàn thể phải xây dựng chương trình hành động, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, vận động, tập hợp quần chúng. Phương châm hoạt động là bám sát nghị quyết của cấp ủy và tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương và những yêu cầu chính đáng của người dân như: Phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển KT-XH, trong cải cách thủ tục hành chính, trong đảm bảo ANCT-TTATXH, trong hòa giải cơ sở, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… Đặc biệt, trong quản lý, điều hành và vận động, tập hợp quần chúng phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, từng sắc tộc, từng tôn giáo, nhằm tạo được sự đồng thuận cao của xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH-AN-QP… Nhờ vậy, kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy ở Cát Tiên theo ông Trần Đình Hạnh là khá khả quan, cụ thể: Đến nay, toàn huyện không còn thôn trắng đảng viên, 100% thôn, TDP đều có chi bộ; có đến 70% TCCS đảng đạt TSVM, không có TCCS đảng yếu kém; 90% chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các xã, TT hàng năm đều đạt vững mạnh toàn diện; không có chính quyền xã, TT, Mặt trận, đoàn thể yếu kém. Nhờ vậy, dù là địa phương gặp nhiều khó khăn về điều kiện phát triển KT-XH do đặc thù ở xa trung tâm tỉnh lỵ, xuất phát điểm thấp, thổ nhưỡng đất đai, thời tiết khắc nghiệt… nhưng Cát Tiên vẫn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm, trong đó đã xây dựng được thương hiệu lúa gạo Cát Tiên, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đạt được những thành tích đó, nhờ có sự “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn.
HOÀNG KIẾN GIANG