Kinh nghiệm đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở Lạc Dương

08:09, 27/09/2016

10 năm qua, Huyện ủy Lạc Dương đã chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn". 

Từ nhận thức và đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn, 10 năm qua (2006 - 2016), Huyện ủy Lạc Dương đã chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Qua đó, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng cấp trên.
 
Lãnh đạo, chỉ đạo bằng nghị quyết chuyên đề
 
Ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 5/9/2007, BTV Huyện ủy Lạc Dương xây dựng, ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, thị trấn”; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình hoạt động sâu sát với đặc điểm tình hình của từng địa phương sở tại. Theo đó, việc xây dựng, tổ chức hoạt động các TCCS đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể phải gắn với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng xã, thị trấn, từng thôn, từng tổ dân phố (TDP). Chẳng hạn, trong công tác phát triển đảng viên và tổ chức sinh hoạt chi bộ ở những địa bàn đông đồng bào DTTS phải căn cứ vào yêu cầu về trình độ, tính tiền phong gương mẫu của các nhân tố điển hình. Tuy nhiên, phải xuất phát từ đặc điểm của thôn, buôn, tập quán sinh hoạt của người dân bản địa để phát động các phong trào thi đua. Qua đó, phát hiện nhân tố điển hình và có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ để họ phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng cách chỉ đạo như vậy, thời gian qua, công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS và tôn giáo ở Lạc Dương tuy gặp phải một số khó khăn, nhưng những năm qua, tại các xã có tỷ lệ đồng bào DTTS và tôn giáo cao của huyện vẫn hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên hàng năm. Trong đổi mới sinh hoạt chi bộ, BTV Huyện ủy còn chỉ đạo các cấp ủy tổ chức sinh hoạt chi bộ phải đổi mới về hình thức, nội dung, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc điểm sinh hoạt và tâm lý của từng bộ phận dân cư, nhằm thu hút được đông đảo đảng viên tham gia. Mặt khác, phải biết gợi mở vấn đề và phát huy quyền dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể một cách hăng hái, có hiệu quả. Ngoài ra, BTV Huyện ủy còn chỉ đạo các cấp ủy làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc: Ban hành các nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát với từng công việc, từng địa bàn, không chỉ đạo tràn lan, thiếu tính thực tế, nhưng cũng không cầm tay chỉ việc, với tay quá dài… Nhờ vậy, hiện nay, trong 35 thôn, tổ dân phố của huyện Lạc Dương đều có chi bộ, không còn tình trạng thôn, buôn trắng đảng viên, hoặc sinh hoạt ghép; tỷ lệ TCCS đảng tại các xã, thị trấn đạt TSVM tăng từ 33,35% năm 2006, lên 66,67% năm 2015.
 
Dựa vào thực tiễn để xây dựng chương trình hoạt động
 
Cùng với tỷ lệ TCCS đảng đạt TSVM không ngừng tăng mạnh qua hàng năm, 10 năm qua, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể các xã, thị trấn của Lạc Dương cũng không ngừng vững mạnh, nâng cao được năng lực quản lý, điều hành, vận động, tập hợp quần chúng, đưa Nghị quyết phát triển KT-XH của Đảng đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả cao. Làm được điều đó, nhờ việc bố trí, luân chuyển cán bộ đúng người, đúng việc, thực hiện tốt phương châm: Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để xây dựng chương trình hoạt động, vận động người dân tham gia các chương trình, mục tiêu, kế hoạch sâu sát, kịp thời với những vấn đề bức xúc của người dân và yêu cầu của nhiệm vụ. Chẳng hạn, trong phát triển KT-XH của địa phương, các xã, thị trấn căn cứ vào những yêu cầu bức xúc của địa phương trong từng giai đoạn, từng thời điểm để xây dựng kế hoạch phát triển cây gì, con gì, giải quyết vấn đề gì đang được người dân quan tâm, xây dựng kết cấu hạ tầng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt… Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể đi sâu tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân, nhằm nâng cao ý thức tự giác tham gia có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Vì thế, dù điều kiện có khó khăn hơn so với những địa phương khác, nhưng đến nay, KT-XH, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới của Lạc Dương đạt được những kết quả khả quan; tỷ lệ chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các xã, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện, hàng năm, trên 75%, 35/35 thôn, TDP xây dựng được hương ước, quy ước; 30/35 thôn, TDP đạt văn hóa; 28/35 thôn, TDP có nhà sinh hoạt cộng đồng…
 
Từ những kết quả đạt được nói trên, Huyện ủy Lạc Dương đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, đó là: Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phải quán triệt sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể TSVM. Chú trọng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, TDP. Không ngừng đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, trong bộ máy chính quyền và xã hội. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo quan điểm: “Lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành phải gắn với kiểm tra, giám sát, không kiểm tra, giám sát xem như không lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành”. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương.
 
HOÀNG KIẾN GIANG