Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, giới thiệu nguồn cán bộ cho Ðảng, chính quyền

08:10, 19/10/2016

Trong 5 năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ (CBN) được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cao hơn so với trước, kể cả một số lĩnh vực trước đây CBN ít được bố trí như: ngành Tổ chức xây dựng Ðảng, Khoa học Công nghệ, Tài chính...

Trong 5 năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ (CBN) được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cao hơn so với trước, kể cả một số lĩnh vực trước đây CBN ít được bố trí như: ngành Tổ chức xây dựng Ðảng, Khoa học Công nghệ, Tài chính..., đảm bảo các cơ quan có 30% CBCC nữ trở lên có ít nhất một lãnh đạo là nữ.
 
Đại biểu nữ tỉnh dự ĐH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội. Ảnh: V.Báu
Đại biểu nữ tỉnh dự ĐH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội. Ảnh: V.Báu
Bà Nguyễn Thị Nhạn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBN thì công tác giới thiệu nguồn CBN cho Đảng, chính quyền của tỉnh cũng đã có những chuyển biến tích cực, là cơ sở tạo đà cho các thế hệ phụ nữ (PN) Lâm Đồng đóng góp được nhiều hơn, có trách nhiệm hơn đối với sự phát triển của tỉnh nhà”. 
 
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác PN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” và Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị” vào thực tiễn địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xây dựng Chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời ,thành lập Tiểu ban công tác CBN và Ban vì sự tiến bộ của PN các cấp để tham mưu, triển khai thực hiện công tác PN trên địa bàn tỉnh.
 
Kết quả Ðại hội Ðảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020
 
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ 2010 -2015,
cụ thể:
- Cấp tỉnh đạt 18,52% (tăng 7,61%);
- Cấp huyện đạt 13,65% (tăng 0,94%);
- Cấp cơ sở đạt 20,17% (tăng 1,73 %).

Hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung, CBN nói riêng, gắn liền với chức danh quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Từ nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác CBN và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBN của tỉnh thời gian qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
 
Riêng nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã có 1.167 CBN được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ (đào tạo trong nước 1.144 người, đào tạo ở ngoài nước 23 người).
 
Trong đó, đào tạo về chuyên môn có 241 CBN được đào tạo bậc đại học và cao đẳng, 70 thạc sĩ, 2 tiến sĩ; đào tạo về lý luận chính trị có 273 CBN được đào tạo trung cấp và 90 người được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị. 
 
Song song với công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng về nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc… cho đội ngũ CBN cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ năm 2010 -2015, tỉnh đã bồi dưỡng cho hơn 3.509 lượt CBN, trong đó bồi dưỡng về nghiệp vụ 1.088 lượt; bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc 2.421 lượt cán bộ. 
 
Công tác đào tạo được triển khai với nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, chú trọng cả đào tạo chuyên ngành, chính trị; đào tạo gắn với bồi dưỡng cập nhật kiến thức, ngoại ngữ, tin học, đồng thời đào tạo sau đại học. Từ đó đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, trong đó có CBN, đã phát huy sở trường của CBN để bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
 
Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương để ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách đối với CBN đi học như: hỗ trợ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ là 20 triệu đồng và thạc sĩ 10 triệu đồng; trợ cấp đi học cho CBN cao hơn nam giới; thanh toán tiền học phí, tiền tài liệu, tiền tàu xe đi lại; ưu tiên về độ tuổi khi cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị…
 
Công tác bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sau khi được đào tạo luôn được chú trọng, đã giúp đội ngũ CBN của tỉnh từng bước tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% CBN cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn về chuyên môn; 100% công chức nữ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và có 78,2% CBN có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. 
 
Số nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 -2021: Cấp tỉnh có 25 nữ đại biểu/75 đại biểu (chiếm 32,89%); cấp huyện 101 nữ đại biểu/425 đại biểu (chiếm 23,6%); cấp xã 1.078 nữ đại biểu/4.103 đại biểu (chiếm 26,31%). Số nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021: cấp huyện có 11 đồng chí; cấp xã, phường có 68 đồng chí. 
 
Số lượng CBN chủ chốt diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tăng lên đáng kể: 45/316 (chiếm 14,24%), 100% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, đại học và đại học trở lên. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Nhạn, để tạo sự bứt phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBN, giới thiệu nguồn nhân sự cho Đảng, chính quyền trong thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác CBN. Tăng cường công tác CBN, không phải để có cơ cấu mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của PN, bảo đảm bình đẳng giới và phát huy vai trò của PN. Triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bình đẳng giới, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CBN nói chung và CBN là người DTTS nói riêng. 
 
Hội LHPN các cấp cần chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho CBN, xây dựng mạng lưới CBN từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ. Ban vì sự tiến bộ PN các cấp có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về phương hướng, biện pháp để giải quyết những vấn đề liên ngành, liên quan đến PN; các vấn đề về công tác CBN; phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn CBN có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng CBN ở các cấp. 
 
Cấp ủy các địa phương, đơn vị sớm có kế hoạch, lộ trình đẩy mạnh công tác tạo nguồn CBN và bảo đảm chất lượng thực sự. Mỗi cấp ủy viên có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn CBN để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ nguồn nữ trong quy hoạch tương ứng với tỷ lệ nhân lực và tỷ lệ đảng viên trong đơn vị. Mọi kế hoạch thực hiện quy hoạch như: đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng, thử thách cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu, tỷ lệ trên. 
 
Tiếp tục có chính sách chăm lo, ưu tiên để tháo gỡ khó khăn, tìm hiểu và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CBN, đặc biệt là CBN ở cơ sở và CBN đang công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; cần áp dụng các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với CBN có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (vì độ tuổi dưới 31 và dưới 36 là độ tuổi phụ nữ còn đang mang thai và nuôi con nhỏ); tại các cơ sở đào tạo ở Trung ương và ở tỉnh nghiên cứu bổ sung các chế độ về mức trợ cấp, nơi ở, điều kiện sinh hoạt cho học viên nữ (nhất là nữ có con nhỏ). 
 
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có biện pháp giám sát, kiểm tra việc thực hiện những chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng một phương pháp đánh giá riêng đối với CBN, bên cạnh phương pháp đánh giá truyền thống qua hiệu quả công việc như hiện nay.
 
An Nhiên