Năm 2005, huyện Đam Rông được thành lập từ 8 xã khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của hai huyện Lâm Hà và Lạc Dương. Giai đoạn đầu, tình hình kinh tế - xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vừa thiếu, vừa yếu.
Năm 2005, huyện Đam Rông được thành lập từ 8 xã khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của hai huyện Lâm Hà và Lạc Dương. Giai đoạn đầu, tình hình kinh tế - xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ đặt ra cho huyện Đam Rông là bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, còn phải tập trung củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Khi mới thành lập, Đam Rông có 436 đảng viên, 6 xã có đảng bộ và 2 xã còn lại là chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị xã hội là then chốt, cấp bách. Đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ khác.
Đối với công tác xây dựng Đảng, Đam Rông đã có nhiều biện pháp để tạo nguồn phát triển đảng viên. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.400 đảng viên, 8 đảng bộ xã với 106 chi bộ trực thuộc. 56/56 thôn đều có đảng viên tại chỗ, có chi bộ độc lập. Để làm được đều đó, thời gian qua, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông thường xuyên về tận các chi bộ để thăm hỏi động viên, kiểm tra hoạt động, đồng thời khích lệ tinh thần và ý thức sinh hoạt của nhiều chi bộ cơ sở. Ngoài ra, vận dụng nhiều phương pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên như: đổi mới phương thức chấm điểm đánh giá chất lượng TCCS đảng và đảng viên, kiểm tra kiến thức và năng lực thực tế của người xin vào Đảng…
Bên cạnh đó, hình thức sinh hoạt chi bộ cũng được thống nhất. Trong đó, chú trọng vào việc ban hành các nghị quyết chuyên đề để tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng dàn trải, chung chung như trước đây. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết sát với nhu cầu đời sống nhân dân như: chăn nuôi không thả rong, vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng vườn rau sân xi măng… Sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đã kéo theo sự vận hành đổi mới của chính quyền cơ sở trong xây dựng hệ thống chính trị ở xã, thôn. Theo thông tin từ Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông: Căn cứ thực tế tại từng địa phương, Huyện ủy Đam Rông và các xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở phù hợp với điều kiện, tình hình mỗi xã. Huyện ủy phân công trực tiếp các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ và các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc theo dõi hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Định kỳ hàng năm, đoàn kiểm tra do Phó Bí thư phụ trách xây dựng TCCS đảng làm trưởng đoàn đều kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ này ở cơ sở. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội khác ở địa phương. Điều đó góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cụ thể, phương thức lãnh đạo của cấp xã đã có sự đổi mới. Các xã đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, sâu sắc của cấp ủy Đảng nhưng cũng phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo phát huy tính dân chủ, đoàn kết khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng của cấp ủy Đảng các cấp. Cùng với đó, trong hoạt động của HĐND đã chú trọng xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh sát với chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cũng như tình hình thực tế của địa phương. Mỗi đại biểu HĐND đều nêu cao tinh thần trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của UBND, đồng thời lắng nghe ý kiến nhân dân để chuyển tải hết tâm tư nguyện vọng của nhân dân lên các cấp có thẩm quyền. Hoạt động của UBND đã có nhiều đổi mới trong quản lý, điều hành, chú trọng tới công tác cải cách hành chính, tiếp dân; chỉ đạo quyết liệt những chương trình mục tiêu lớn ở địa phương như: nhà ở, đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, xây dựng NTM…
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn đều từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng gần dân, sát dân. Các nội dung hoạt động đều hướng về cơ sở, từ đó khắc phục dần tình trạng hành chính hóa, góp phần vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đưa ra cũng như nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, vấn đề con người đóng vai trò quyết định. Sau 10 năm thực hiện mạnh mẽ công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đến nay, toàn huyện có 186 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã. Ngoài ra, Đam Rông còn có 319 cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn và đông đảo lực lượng nòng cốt, cốt cán trong vùng đồng bào DTTS và vùng có đạo... Tuy vậy, Đam Rông hiện vẫn là huyện khó khăn của tỉnh, là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước. Tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí thấp hơn mặt bằng chung cả tỉnh. Đặc biệt, tình trạng di cư tự do của bà con dân tộc phía Bắc vào huyện Đam Rông và tiếp tục phá rừng, làm rẫy; bà con DTTS tại chỗ đòi trở về làng cũ… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh chính trị. Đó là áp lực rất lớn đối với chính quyền các cấp ở Đam Rông. Mặc dù hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ. Nhiều việc ở cơ sở chưa thể tự giải quyết phải đùn đẩy lên cấp trên… Đây là những khó khăn nội tại kéo dài chưa giải quyết được, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
NGỌC NGÀ