(LĐ online) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ngày 5/10/2016, Sở Tư pháp Lâm Đồng tổ chức Hội nghị góp ý cuối cùng dự thảo hai Luật nói trên.
(LĐ online) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ngày 5/10/2016, Sở Tư pháp Lâm Đồng tổ chức Hội nghị góp ý cuối cùng dự thảo hai Luật nói trên. Dự Hội nghị có lãnh đạo của HĐND tỉnh, 12 huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc, các phòng tư pháp, các văn phòng Luật sư, các sở, ngành: Tư pháp, Công an, Viện Kiểm soát, TAND, Cục thi hành án dân sự, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở LĐTBXH…
|
Các đại biểu đang góp ý hai dự thảo Luật “Trợ giúp pháp lý” và “Trách nhiệm bồi thường Nhà nước” |
Tại hội nghị, đã ghi nhận 14 ý kiến góp ý kiến về nội dung sửa đổi của Luật trợ giúp pháp lý và trách nhiệm bồi thường Nhà nước xoay quanh một số vấn đề như: cần bỏ cụm từ “Có hoàn cảnh khó khăn” đối với các đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là trẻ em, đồng bào DTTS, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV; cần quy định “Trung tâm trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp quyết định thành lập” để nâng cao vị thế tham gia tố tụng của TGPL, đảm bảo kinh phí thống nhất trên toàn quốc đối với trung tâm TGPL; trong TGPL, ngoài tổ chức Nhà nước làm nòng cốt, cần mở rộng theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của giới Luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội, các nhà báo; cần nâng mức chi phí cho hoạt động dịch vụ TGPL, hạn chế chi phí lương cho bộ máy các trung tâm TGPL Nhà nước; mở rộng chủ thể thực hiện TGPL và xác định vị trí làm việc cụ thể của các trợ giúp viên pháp lý; thống nhất Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về TGPL, song cần quy định rõ trong Luật địa vị pháp lý của Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp.
Góp ý cho Dự thảo Luật “Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, một số ý kiến cho rằng, cần xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bên cạnh đó, nên gộp các điều luật quy định về các nguyên tắc trong Dự thảo thành một điều luật về các nguyên tắc trong Chương I “Những quy định chung” như thông lệ tại bộ luật và luật khác. Thống nhất với Dự thảo đã mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cứ gây thiệt hại là phải bồi thường, không bó hẹp trong phạm vi khi có lỗi, gây thiệt hại mới bồi thường như trước đây. Cần quy định thêm về cơ quan gây thiệt hại trực tiếp giải quyết bồi thường trong một số trường hợp hoạt động xử phạt vi phạm hành chính cũng như quy định cụ thể mức hoàn trả và phải dựa trên mức độ lỗi, mức độ thiệt hại đã gây ra. Đặc biệt, cần điều chỉnh lại câu “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng, hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, hoặc cá nhân, pháp nhân khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án” tại khoản I, Điều 3 của Dự thảo thành “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng, hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, hoặc người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”. Đề nghị rút ngắn thời hạn tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai từ 10 ngày như trong Dự thảo xuống còn 5 ngày, nhằm sớm khôi phục danh dự, quyền lợi cho người bị thiệt hại…
Ghi nhận những ý kiến góp ý trên, bà Lê Thị Hạ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng hứa sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp tại hội nghị, báo cáo Bộ Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, làm cơ sở cho việc thảo luận, thông qua Luật “Trợ gíup pháp lý” và “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại Nhà nước” tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV sắp đến.
Hoàng Kiến Giang