Khắc sâu bài học về sức mạnh của nhân dân

09:10, 12/10/2016

(LĐ online) - Từ truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn năm, cha ông ta đã đúc kết chí lí: Có Dân là có tất cả; An Dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; hay như "Việc cương thường muôn thuở là ở lòng Dân". Và để cho đất nước yên bình, thịnh trị thì "Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân". 

(LĐ online) - Từ truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn năm, cha ông ta đã đúc kết chí lí: Có Dân là có tất cả; An Dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; hay như “Việc cương thường muôn thuở là ở lòng Dân”. Và để cho đất nước yên bình, thịnh trị thì “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân”. 
 
Sức mạnh của Nhân dân đã được lịch sử kiểm chứng, những chiến công hiển hách của cha ông chống giặc ngoại xâm, những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa oai hùng, lẫm liệt làm cho kẻ thù khiếp nhược đã thể hiện ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường của dân tộc Việt Nam. Đến thời đại Hồ Chí Minh, những thắng lợi của sự nghiệp Cách Mạng do Đảng ta lãnh đạo cũng là khởi nguồn từ sức mạnh của Nhân dân, từ truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam. Tháng 8 năm 1945, chính nhờ vào lực lượng vĩ đại của toàn dân mà chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc vùng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất, lập nên nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng nhờ dựa vào sức mạnh của Nhân dân, với sức mạnh vô địch của chiến tranh Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những mốc son chói lọi: Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975. 
 
Sau khi thống nhất đất nước, trong hòa bình thì bài học của Đại hội VI, đại hội của đổi mới, xét đến cùng, cũng chính là bài học biết dựa vào Dân, để Đảng ta có những quyết sách đúng đắn. Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: "Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của Nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối của Đảng. Cũng do Nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay".
 
Ngược dòng lịch sử, nguồn gốc Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về nông nghiệp chính là từ sáng kiến của nông dân. Trong lúc chúng ta còn đang lúng túng giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường thì sáng kiến xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện ở nhiều địa phương, cơ sở. Đảng ta đã kịp thời nắm bắt, tổng kết sáng kiến này và lãnh đạo đưa thành chương trình quốc gia và cuộc vận động lớn trong toàn dân về xóa đói giảm nghèo. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới cũng đều là sáng kiến của Dân. Nhân dân không chỉ nêu sáng kiến, mà khi sáng kiến trở thành đường lối, chủ trương của Đảng thì chính Nhân dân lại là người thực hiện hăng hái, có hiệu quả.
 
Nhận thức rõ về sức mạnh của Nhân dân, Đảng ta đã khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”. Từ thành tựu của 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy Dân làm gốc, Dân là gốc, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
 
Trong giai đoạn cách mạng mới, để Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo thì phải tăng cường phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện tốt quyền làm chủ của Nhân dân và điều quan trọng là mỗi tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần tư tưởng “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của Nhân dân thì  mới góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra yêu cầu cho sự phát triển là phải: Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát". 
 
Trước tình hình thế giới phức tạp và đầy biến động như hiện nay thì Đảng càng phải khắc sâu và ghi nhớ bài học về sức mạnh của Nhân dân, chỉ có dựa vào Dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Nhân dân và điều quan trọng là được Nhân dân tin yêu, ủng hộ thì Đảng mới đủ sức lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, ghềnh thác, đưa con thuyền Việt Nam cập bến bờ hạnh phúc và vinh quang.
 
Đà Lạt, tháng 10/2016
 
Trần Trung Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh