Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

09:10, 27/10/2016

Với khát vọng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đến với Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản...

Với khát vọng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đến với Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, phải “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội chủ nghĩa”. Sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ 1945 trở đi, Bác cùng với Đảng ta kiên trì lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa xây dựng đất nước, đảm bảo giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. 
 
Theo Hồ Chí Minh: bản chất của chủ nghĩa xã hội là một chế độ do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với chế độ sở hữu toàn dân và tập thể; có sự phát triển cao về văn hóa, đạo đức; là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một xã hội nhân văn, tiến bộ, dân chủ, công bằng, tự do, ấm no, hạnh phúc, một giai đoạn phát triển cao hơn của chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người, về quan hệ giữa con người với con người. Khác biệt so với chủ nghĩa tư bản, con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa vừa là trung tâm, vừa là nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng chế độ mới; đồng  thời là mục tiêu, là động lực của phát triển. Đề cao vai trò nhân dân làm chủ, Hồ Chí Minh xác định Chính phủ là đầy tớ chung của dân, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Hướng về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội song Người cũng chỉ ra con đường của cách mạng Việt Nam là tiến hành giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho thời kỳ quá độ đối với nước ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xây dựng tiền đề kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng cho chủ nghĩa xã hội; cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo và xây dựng, trong đó lấy xây dựng làm trọng tâm, là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài. 
 
Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng: Ngày nay trên thế giới và ở Việt Nam không có chủ nghĩa xã hội và ngay trong tương lai xa cũng không xuất hiện khả năng, điều kiện cho chủ nghĩa xã hội ra đời. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vô vọng, bất khả thi bởi vậy cần từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những ý kiến này nhằm áp đặt chủ kiến tất cả những nước còn lại, nhất là các nước kém phát triển, tất yếu đều phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, hội nhập vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản do phương Tây dẫn đầu. 
 
Trải qua hơn 7 thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đặc biệt qua 30 năm đổi mới, đất nước đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong tương lai đã minh chứng hùng hồn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. 
 
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội XII của Đảng xác định yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Trong đó, vấn đề đặt ra là chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Theo đó, phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới… Vừa qua, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa... Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
 
Để khắc phục hiện tượng trên, thiết nghĩ vấn đề đặt ra cấp thiết với các cấp ủy Đảng hiện nay là phải chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái mà thế lực thù địch rắp tâm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xóa bỏ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà dân tộc ta đã lựa chọn!    
 
 LAN HỒ