Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng;
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, tăng cường đoàn kết và thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, tình trạng tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.
Đối với Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 19 đảng bộ trực thuộc; 676 tổ chức cơ sở đảng, trên 38 ngàn đảng viên. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015, luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được một số kết quả quan trọng, đó là: Thực hiện nhiệm vụ theo Điều 30 Điều lệ Đảng, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 4.755 lượt tổ chức đảng và 11.600 lượt đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 1.376 lượt tổ chức đảng và 5.008 đảng viên, giám sát thường xuyên đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ; thực hiện nhiệm vụ theo Điều 32 Điều lệ Đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình và thực hiện kiểm tra đối với 135 tổ chức đảng và 513 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.837 tổ chức đảng, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật trong đảng đối với 435 tổ chức đảng, kiểm tra thu chi ngân sách đảng đối với 310 tổ chức, kiểm tra thu nộp và quản lý sử dụng đảng phí đối với 2.322 tổ chức đảng, giám sát chuyên đề đối với 903 tổ chức đảng và 2.116 đảng viên, giám sát thường xuyên đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong đảng bộ. Từ đó, thi hành kỷ luật đối với 19 tổ chức đảng và 1.082 đảng viên, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng theo đúng quy định.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những quy định, chính sách không còn phù hợp; đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; kịp thời thanh lọc ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật đảng, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng bộ tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Nhận thức về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; một số cấp ủy vẫn còn khoán trắng cho UBKT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; một số UBKT đảng ủy cơ sở còn nhầm lẫn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cấp ủy theo Điều 30 với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp theo Điều 32, Điều lệ Đảng; thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề theo Điều 30, Điều lệ Đảng đối với đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp còn ít; giám sát việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, một số tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật đảng chưa xác định đúng nội dung vi phạm, chưa phân tích đánh giá đúng mức độ tác hại, nguyên nhân vi phạm nên xử lý kỷ luật chưa chính xác, vẫn còn có tình trạng nhẹ trên, nặng dưới, chưa đồng bộ trong việc xử lý kỷ luật đảng với kỷ luật về chính quyền, đoàn thể; tinh thần phê bình và tự phê bình của một số tổ chức đảng, đảng viên chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, né tránh. Việc nắm bắt tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm đối với lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm (đầu tư XDCB, quản lý đất đai, công tác quản lý, bảo vệ rừng...) còn hạn chế…
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ 2016 đến 2020, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thấy rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, từ đó tạo sự chuyển biến thật sự trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ở tất cả cấp ủy Đảng trong tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các quy chế, quyết định, quy định mới của Trung ương.
Hai là: Kiện toàn UBKT, tổ chức bộ máy cơ quan UBKT ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường cán bộ kiểm tra các cấp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, nhất là cán bộ cơ sở; tăng cường cơ sở, điều kiện làm việc để đủ khả năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường đào tạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, nhất là cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở để chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Ba là: Phát huy tính tự giác của tổ chức đảng và cán bộ đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát. Trong thực hiện công tác kiểm tra cần làm tốt công tác giáo dục, thuyết phục, vận động, đề cao ý thức tự phê bình và phê bình trong đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra. Nêu cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội, không lợi dụng kiểm tra bôi nhọ tổ chức đảng và đảng viên. Không được xem nhẹ công tác kiểm tra, giám sát hay nhận thức không đúng về công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là: Đối với đối tượng và nội dung kiểm tra, giám sát cần chú trọng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước, đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử và công tác giám sát của HĐND các cấp, MTTQ, các đoàn thể nhân dân…
Năm là: Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, UBKT các cấp phải bám sát nhiệm vụ chính trị, tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và sự chỉ đạo, định hướng của UBKT cấp trên; tăng cường giám sát thường xuyên, chủ động nắm bắt các nguồn thông tin bằng nhiều cách, coi trọng việc phân công cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên sâu sát cơ sở, theo dõi nắm chắc tình hình đảng viên và tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những lĩnh vực nổi cộm, dễ phát sinh các tiêu cực để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp “kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm”.
Sáu là: Nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn để đề xuất bổ sung, hoàn thiện phương pháp, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát; khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay; tăng cường giám sát thường xuyên việc thực hiện công khai minh bạch mọi hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh liên quan đến thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách ở những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn xảy ra vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên.
Thông qua kiểm tra, giám sát sẽ phát hiện những bất cập của các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; đồng thời, giáo dục, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời các khuyết điểm, xử lý nghiêm minh vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
DƯƠNG CÔNG HIỆP - UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy