Phát triển Đảng trong sinh viên tại trường đại học, cao đẳng là nhiệm vụ thiết thực nhằm bổ sung nguồn lực, trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ, chi bộ tại các trường. Đồng thời đào tạo được đội ngũ trí thức trẻ "vừa hồng vừa chuyên" cho xã hội.
Phát triển Đảng trong sinh viên tại trường đại học, cao đẳng là nhiệm vụ thiết thực nhằm bổ sung nguồn lực, trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ, chi bộ tại các trường. Đồng thời đào tạo được đội ngũ trí thức trẻ “vừa hồng vừa chuyên” cho xã hội.
|
Phát triển Đảng trong sinh viên góp phần đào tạo đội ngũ trí thức trẻ “vừa hồng vừa chuyên” cho xã hội. Ảnh: N.Ngà |
Đảng bộ các trường đại học, cao đẳng nói chung và thực tế tại Trường Đại học Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt nói riêng, đã tập trung đưa công tác phát triển Đảng trong đội ngũ sinh viên trở thành nền nếp, có chiều sâu, chất lượng và đạt hiệu quả thiết thực.
Thầy Lê Hồng Phong - Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Đảng bộ nhà trường luôn quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong sinh viên. Đảng bộ đã đặt ra các chỉ tiêu để các chi bộ cũng như các tổ chức đoàn thể trong trường xây dựng kế hoạch, giúp sinh viên có môi trường hoạt động, phấn đấu. Từ năm 2010 đến nay, Trường ĐH Đà Lạt đã có hơn 70 sinh viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong đó cao nhất là năm 2015 với 18 sinh viên được kết nạp. Con số này đã phần nào khẳng định sự quan tâm của Đảng bộ nhà trường đối với việc phát triển đảng viên là sinh viên.
Còn tại Đảng bộ Trường CĐSP Đà Lạt, thầy Vũ Đình Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường nói: Từ khi thành lập trường (1976) mãi đến năm 2007, trường không kết nạp được đảng viên nào trong sinh viên. Nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ cũng như các đoàn thể trong trường, từ năm 2008 đến nay, trường đã kết nạp được 40 sinh viên. Trong đó cao nhất là năm 2011 với 8 sinh viên được kết nạp. Đặc biệt Trường CĐSP trong hai năm 2006 và 2013 đã ra hai Nghị quyết chuyên đề cho công tác phát triển đảng viên trong sinh viên. Nên công tác này đã có nhiều chuyển biến. Mặc dù số lượng chưa cao nhưng cũng là bước tiến đáng kể của nhà trường.
Đảng bộ các trường đã làm tốt công tác tạo nguồn để phát hiện sớm và có kế hoạch bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú.
Ngay từ năm nhất các khóa học, Đảng bộ các trường đã rất chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Hoạt động này được tổ chức dưới những hình thức phong phú như các buổi tọa đàm, các hội thi…, qua đó phổ biến những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của tổ chức Đảng, giúp đoàn viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với nhà trường và xã hội. Đến cuối năm nhất, những đoàn viên ưu tú được lựa chọn tham gia các lớp cảm tình Đảng. Sau thời gian theo dõi, thử thách, Đảng bộ các trường có thể kết nạp Đảng cho sinh viên khi bước vào năm 3 ở hệ cao đẳng và năm 3, 4 đối với hệ đại học.
Tại Trường Đại học Đà Lạt, mỗi năm có từ 300 - 400 đoàn viên được tham gia lớp cảm tình Đảng. Còn tại Trường CĐSP có khoảng 200 sinh viên được tham gia lớp học này. “Đây thực sự là nguồn phát triển Đảng rất dồi dào”, thầy Lê Hồng Phong khẳng định.
Bên cạnh sự quan tâm của Đảng bộ các trường, các tổ chức Đoàn, Hội cũng có nhiều hoạt động góp phần tạo nguồn phát triển Đảng trong sinh viên.
Các Đoàn trường đã chú trọng vai trò định hướng cho sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, đặt ra các tiêu chí để sinh viên phấn đấu vào Đảng gồm tiêu chí về học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động và đạt danh hiệu Đoàn viên ưu tú, từ đó sinh viên biết mình phải làm gì để phấn đấu vào Đảng.
Bên cạnh đó, các trường xây dựng hệ thống các câu lạc bộ (CLB) thể thao, CLB học thuật phong phú để sinh viên có thể tham gia theo sở thích, phát huy khả năng và có cơ hội thể hiện mình. Các phong trào Tình nguyện xanh, Tiếp sức mùa thi, Hiến máu nhân đạo,... chính là những sân chơi ý nghĩa và lành mạnh, thu hút ngày càng đông sinh viên tham gia.
Chính từ các phong trào này đã xuất hiện những điển hình tiên tiến để chọn lọc những sinh viên ưu tú trở thành đảng viên. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác này hiện nay là sinh viên học theo tín chỉ, thời gian sinh hoạt trong các chi đoàn ít, vì vậy chi đoàn khó quan sát các thành viên để giới thiệu vào Đảng.
Tiêu chí cơ bản để kết nạp Đảng cho sinh viên bao gồm học lực, đạo đức và các hoạt động phong trào Đoàn, Hội.
Phó Bí thư Đảng ủy Trường CĐSP nói thêm: Các tiêu chí đánh giá sinh viên dễ biến động. Nhiều cán bộ chi đoàn - chi hội thể hiện tốt vai trò thủ lĩnh tại cơ sở, tích cực trong các phong trào nhưng lại chưa đầu tư tương xứng cho nhiệm vụ học tập của mình, dẫn tới kết quả học tập chưa cao; trái lại có những bạn sinh viên chăm chỉ học tập nhưng lại chưa thực sự nhiệt tình với các phong trào chung… dẫn đến không phù hợp với tiêu chí phát triển Đảng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác phát triển Đảng trong sinh viên tại các trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Có chi bộ chưa thực sự có giải pháp cụ thể về bồi dưỡng, phát triển vào Đảng cho sinh viên. Mặt khác, số quần chúng được kết nạp Đảng vẫn chủ yếu tập trung vào những năm cuối, đóng góp không nhiều cho chi bộ và Đảng bộ vì sau kết nạp, thời gian tiếp tục học tập tại trường và sinh hoạt tại chi bộ không nhiều. Nguyên nhân chính là do chi bộ vẫn chưa thực sự làm tốt công tác tạo nguồn. Nhiều sinh viên có nguyện vọng vào Đảng nhưng còn lúng túng, không biết thể hiện mình, không biết hướng phấn đấu. Bởi vậy các chi ủy, đặc biệt là các bí thư chi bộ tại các khoa và chi bộ sinh viên cần thường xuyên nắm tình hình, định hướng và kiểm tra hoạt động của các chi đoàn và việc thực hiện công tác thanh niên, thường xuyên đối thoại, gặp gỡ sinh viên, loại bỏ hoàn toàn tư tưởng “khoán trắng” cho tổ chức Đoàn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Phú - Giáo viên Trường THCS Ngô Quyền, nguyên là sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt:
Việc kết nạp Đảng ở trường rất khó bởi nguồn kết nạp Đảng tại các trường rất dồi dào. Để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, sinh viên đó phải thực sự xuất sắc và vượt trội hơn hàng trăm gương mặt khác. Bên cạnh việc duy trì tốt kết quả học tập, tu dưỡng đạo đức, còn phải thực sự đi đầu, nổi bật ở các hoạt động phong trào. Điều này đòi hỏi sự cố gắng không ngừng, nghị lực lớn của mỗi sinh viên.
Chị Lê Thị Hiền Lương - Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn là sinh viên là điều hết sức tự hào. Điều này không chỉ giúp mình trưởng thành, mà còn là động lực để phấn đấu và sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Ngoài ra, đó cũng là một xuất phát điểm thuận lợi khi ra trường. Việc trong hồ sơ xin việc của bạn có chứng nhận là đảng viên sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi, nhất là khi tham gia vào hệ thống các cơ quan nhà nước.
Anh Nguyễn Hoài Nhân - Cán bộ Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng, nguyên sinh viên Khoa QTKD Đại học Đà Lạt:
Đối với những sinh viên học tập và quyết định lập nghiệp xa quê, trong thời điểm đầu khi chưa xin được việc, sinh viên sẽ không biết chuyển hồ sơ Đảng về sinh hoạt ở đâu để thuận lợi. Điều này thật sự là thử thách. Trường hợp này nếu được nhà trường giúp đỡ, tạm thời cho sinh hoạt tại chi bộ sinh viên thì sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho sinh viên. Đồng thời, sinh viên đó cũng tiếp tục đóng góp thêm cho Đảng bộ trường. Khi vào công tác ở bất cứ đơn vị nào, những đảng viên trẻ này đã có bệ phóng vững chắc về mặt trình độ, tư tưởng, đạo đức, cũng như hoạt động phong trào. Việc cần làm tiếp theo là chứng minh năng lực chuyên môn. Đồng thời đó cũng là điều kiện thuận lợi của cá nhân đó trong quá trình bố trí nhân sự của cơ quan, đơn vị.
HOÀNG MY
|
NGỌC NGÀ